Nga từ chối giảm giá khí đốt cho Belarus: Nỗi đau Ukraine?
02:29 SA @ Thứ Ba - 31 Tháng Năm, 2016

Bài học từ Ukraine dường như đã khiến Nga thận trọng hơn khi quyết định từ chối giảm giá khí đốt cho đồng minh Belarus.

Nga từ chối giảm giá khí đốt cho Belarus

Ngày 28/5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ không giảm giá khí đốt cho Belarus trong quý III/2016, và vẫn giữ giá bán theo mức đã ký trong hợp đồng.

“Hợp đồng của chúng tôi có hiệu lực cả năm và được tính theo công thức. Sẽ không cần thêm thỏa thuận nào cả, bởi giá bán khí đốt được xác định theo hợp đồng thương mại”, ông Novak khẳng định.

Người đứng đầu ngành Năng lượng Nga cũng cho biết Moskva không có kế hoạch kiện Belarus tại tòa án Stockholm để giải quyết vấn đề thanh toán khoản nợ mua khí đốt của Nga.

Trước đó, ngày 12/5, ông Novak đã thông báo khoản tiền nợ mua khí đốt của Belarus trong 4 tháng là 125 triệu USD.

Nga tu choi giam gia khi dot cho Belarus:Noi dau Ukraine?

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ không giảm giá khí đốt cho Belarus trong quý III/2016

Hồi đầu tháng 5, công ty con của Gazprom là Gazprom Transgaz Belarus đã kiện lên Tòa Trọng tài Belarus việc nước này chưa trả đủ tiền mua khí đốt.

Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Belarus Vladimir Potupchik cho biết, Minsk không thay đổi quan điểm của mình trong cuộc tranh cãi về khí đốt. Truyền thông Belarus thông tin, Belarus yêu cầu Nga giảm giá bán khí đốt từ 132 USD/1.000m³ xuống còn 73 USD/1.000m³.

Theo thỏa thuận trước đó, giá khí đốt Nga bán cho Belarus năm 2011 là 132 USD/1.000m³. Minsk muốn trả tiền theo mức giá có "lợi nhuận tương đương" với giá bán khí đốt cho Đức trừ đi chi phí vận chuyển qua Ba Lan (9 USD/1.000m³), Belarus (12 USD/1000m³), và tuyến đường ống Yamal - châu Âu cũng như thuế xuất khẩu (30%).

Theo các quan chức Belarus, Nga cần bán ở mức “giá sinh lợi bình đẳng” từ năm 2015, phù hợp với các thỏa thuận liên Chính phủ. Tuy nhiên, Moskva lại cho rằng quá trình chuyển đổi này là không cần thiết.

Nga rút kinh nghiệm từ bài học Ukraine?

Thực tế từ lâu Belarus đã là đồng minh thân cận của Nga. Trong một phát biểu hồi tháng 4 năm ngoái, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhấn mạnh rằng nước này không ngả về phía Phương Tây và sẽ luôn luôn là đồng minh của Nga.

“Chúng ta đã sát cánh cùng Nga và sẽ luôn như thế”, ông Lukashenko nói.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, việc Moskva cương quyết và giữ nguyên quan điểm không giảm khí đốt cho Balarus xuất phát từ bài học Ukraine. Bài học từ việc dung dưỡng Kiev đang khiến điện Kremlin tỏ ra thận trọng các quyết định của mình.

Thời gian qua, dù giữa Kiev và Moskva còn tồn tại nhiều bất đồng tuy nhiên khi nhận được lời đề nghị giảm khí đốt của chính quyền Poroshenko, điện Kremlin đều nhân nhượng chấp nhận.

Hồi đầu năm nay, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga đã đồng ý giảm giá bán khí đốt cho Ukraine từ 230 USD/1.000 m3, xuống còn hơn 212 USD/1.000 m3 kể từ ngày 1/1/2016.

Nga tu choi giam gia khi dot cho Belarus:Noi dau Ukraine?

Bài học từ việc dung dưỡng Ukraine đang khiến Nga thận trọng trong quyết định với Belarus.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn tìm mọi cách để gây khó khăn cũng như kêu gọi các nước gia tăng cấm vận nhằm vào Moskva.

Thậm chí, chính quyền Poroshenko còn tuyên bố sẽ làm mọi cách để giành lại Crimea từ tay Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ hồi tháng 3/2014 theo nguyện vọng của người dân nơi đây.

“Chúng tôi khẳng định lập trường của mình, rằng Crimea là chủ đề hàng đầu trong nghị trình với các đối tác quốc tế của Kiev”, Tổng thống Poroshenko từng tuyên bố.

Trong một diễn biến khác, khoản nợ 3 tỷ USD Ukraine nợ Nga vẫn đang bế tắc khi chính quyền Kiev nộp đơn phản đối khiếu kiện của Nga tại Tòa án London.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hợp đồng vay được ký kết giữa Nga với chính phủ của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 12/2013 “là không có hiệu lực và không bắt buộc phải thi hành”.

Giới chức Kiev tuyên bố rằng khoản vay này đã vi phạm các giới hạn vay quốc tế của chính nước này vào thời điểm đó và trong thoả thuận này Ukraine đã bị “ép”, để ngăn không cho Kiev gia nhập EU.

Nguồn: