Những ai sẽ bị tác động khi giá dầu xuống mức 20 USD/thùng
03:05 SA @ Thứ Ba - 24 Tháng Ba, 2020

Từ mức 60 USD/thùng vào đầu năm 2020, việc giá dầu rơi tự do xuống ngưỡng 20 USD/thùng trong phiên ngày 18/3 ở New York, và duy trì ở mức thấp trong những ngày qua là hệ quả của một "cú sốc kép".

Những ai sẽ bị tác động khi giá dầu xuống mức 20 USD/thùng. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tiên là cú sốc về nhu cầu, hậu quả trực tiếp của đại dịch toàn cầu do chủng mới virus SARS-CoV-2 gây ra. Tiếp đến là cú sốc về nguồn cung, do xung đột giữa Saudi Arabia và Nga - hai trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sau thất bại trong đàm phán một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Việc giá dầu giảm sâu đã gây ra những ảnh hưởng to lớn đối với nhiều chủ thể.

Đối với Saudi Arabia và Nga, sau khi Moskva từ chối tiếp tục cắt giảm sản lượng, Riyadh đã phản ứng bằng cách hạ giá bán và tăng mạnh sản xuất. Với mức giá quanh ngưỡng 20 USD/thùng, Saudi Arabia chỉ bị giảm lợi nhuận, vì việc sản xuất 1 thùng dầu chỉ tốn 2,8 USD. Tuy nhiên, nước này cần giá dầu ở mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách - vốn chịu gánh nặng bởi một loạt kế hoạch đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.
Tại Nga, chi phí sản xuất dầu cao hơn đáng kể, với trên 20 USD/thùng. Tuy nhiên, ngân sách của nước này có thể đạt được cân bằng khi giá dầu dao động trong khoảng từ 40 đến 50 USD/thùng. Tóm lại, giá dầu càng xuống thấp thì những thiệt hại mà Saudi Arabia và Nga gánh chịu càng lớn.
Đối với ngành sản xuất dầu đá phiến Mỹ, sau nhiều năm thành công, dầu đá phiến Mỹ đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Do đó, sự sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu có thể gây ra nguy cơ cho nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này - vốn cần giá dầu tối thiểu ở mức 50 USD/thùng để có lãi.

Những tích lũy trong giai đoạn giá dầu ở mức cao của năm 2014 có thể giúp ngành dầu đá phiến Mỹ bớt lao đao, nhưng hiện họ đang phải đối diện với khoản nợ phải trả lên đến 86 tỷ USD trong 4 năm tới, theo tính toán của Moody’s. Đó là chưa kể các công ty này phải tiếp tục khoan dầu để duy trì hoạt động, nên rất cần vốn đầu tư.

Nhằm trợ giúp cho lĩnh vực dễ đổ vỡ nhưng quan trọng để duy trì sự độc lập năng lượng của Mỹ, Chính phủ nước này đang dự tính đưa ra một kế hoạch giải cứu nếu giá dầu không chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Đối với các nước sản xuất dầu khác, việc giá dầu giảm sâu có thể gây ra những hậu quả to lớn hơn nhiều, đặc biệt là những nước mới nổi, có ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ. Ở châu Phi, Algeria, Nigeria và thậm chí cả Angola sẽ là nạn nhân của dịch COVID-19 cũng như cuộc chiến giá dầu giữa Riyadh và Moskva.

Iraq, Iran, Libya và Venezuela chắc chắn cũng không ngoại lệ. Nếu giá dầu không phục hồi đáng kể trong thời gian tới, các quốc gia này chắc chắn sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng, hoặc tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với khủng hoảng xã hội và chính trị.
Đối với các tập đoàn dầu khí, hậu quả đầu tiên được ghi nhận đối với 6 tập đoàn sản xuất dầu mỏ hàng đầu phương Tây (gồm ExxonMobil, Shell, BP, Chevron và Total). Đó là sự sụt giảm mạnh giá trị trên thị trường chứng khoán. Kể từ đầu năm, cổ phiếu của các tập đoàn này đã giảm từ 50-60%.

Việc giá dầu ở mức hơn 20 USD/thùng như hiện nay sẽ đe dọa nghiêm trọng lợi nhuận của họ. Hậu quả trực tiếp là các tập đoàn này sẽ phải giảm chi tiêu cho đầu tư, nhất là trong ngắn hạn để chờ giá dầu tăng trở lại. Nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp, chắc chắn cổ đông của họ sẽ làm phiền lòng giới đầu tư.

Nhìn chung thời gian tới sẽ có rất nhiều quốc gia, ngành sản xuất và tập đoàn dầu phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu. Một số chuyên gia thậm chí còn đặt câu hỏi liệu cuộc chiến giá dầu và dịch COVID-19 có phải là khởi điểm cho một cuộc khủng hoảng mới của kinh tế thế giới hay không?

Nguồn: