Trung Quốc chứng kiến “cuộc chiến” giảm giá xăng chưa từng có
02:19 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Sáu, 2017

Nỗ lực của Sinopec và Petro China nhằm giành lại thị phần bị mất vào tay các đối thủ trong và ngoài nước...

Trung Quốc chứng kiến “cuộc chiến” giảm giá xăng chưa từng có

Băng rôn quảng cáo giảm giá xăng dầu tại một trạm bán lẻ xăng dầu ở Thanh Đảo, Trung Quốc, tháng 3/2017 - Ảnh: Reuters.

Hai công ty dầu khí quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc là Sinopec và Petro China đang mở một “cuộc chiến” tại các trạm bán lẻ xăng của nước này, bằng cách giảm giá xăng dầu với tốc độ chưa từng có.

Đây là nỗ lực của Sinopec và Petro China nhằm giành lại thị phần bị mất vào tay các đối thủ trong và ngoài nước trên thị trường bán lẻ xăng dầu trị giá 440 tỷ USD của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo hãng tin Reuters, cuối tháng 3 vừa qua, doanh thu bán lẻ quý 1 của Sinopec được ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Ngay sau đó, với một lượng xăng dầu tồn kho lớn trong tay, Sinopec bắt đầu giảm mạnh giá bán lẻ, nhằm đáp trả những chương trình khuyến mại thường xuyên của các công ty kinh doanh xăng dầu tư nhân.

Lập tức, Petro China cũng vào cuộc, tạo ra một cuộc đua giảm giá ác liệt nhằm vào các nhà bán lẻ xăng dầu tư nhân trong nước và nước ngoài, khiến tỷ suất lợi nhuận bán lẻ xăng dầu sụt giảm tại thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn thứ nhì thế giới này.

Song, điều này cũng là một “cơ hội vàng” cho người dùng xe ở Trung Quốc.

Ở thị trấn Luliang thuộc miền Bắc Trung Quốc, cánh lái xe taxi và giao hàng xếp hàng dài bên ngoài một trạm xăng của Sinopec sau khi giá xăng ở đây được giảm 1,4 Nhân dân tệ (0,21 USD)/lít, tương đương mức giảm gần 1/4, vào một ngày cuối tuần gần đây.

“Chúng tôi đều biết là Sinopec có chất lượng xăng cao hơn, nhưng bình thường giá của họ quá đắt. Bởi vậy, tôi thường phải đến các trạm xăng độc lập để đổ xăng”, một lái xe tên Zhang nói với phóng viên Reuters trong lúc chờ đổ xăng cho chiếc xe 7 chỗ.

“Giờ thì tôi chuyển sang mua xăng Sinopec và sẽ còn mua chừng nào họ còn giảm giá”, anh nói.

Những trạm xăng gần đó do Petro China và công ty tư nhân Taihua vận hành cũng đưa ra mức giảm giá tương tự, thu hút sự chú ý của khách hàng bằng những tấm băng-rôn màu đỏ bắt mắt, dịch vụ rửa xe miễn phí, và điểm tín dụng cho những người dùng thẻ mua xăng trả trước.

Trước năm 2013, cạnh tranh về giá xăng dầu là chuyện hiếm xảy ra ở Trung Quốc, bởi các biện pháp quản lý chặt chẽ của nước này khiến tỷ suất lợi nhuận kinh doanh xăng dầu bị hạn chế.

Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới giảm mạnh vào năm 2014 và sự nổi lên bất ngờ của những nhà máy lọc dầu tư nhân đã làm thay đổi bộ mặt thị trường xăng dầu Trung Quốc.

Do thiếu hạ tầng bán lẻ và không được phép xuất khẩu, các nhà máy lọc dầu tư nhân chủ yếu bán xăng dầu với mức giá khá “mềm” hơn cho 90.000 trạm bán lẻ xăng dầu ở nước này (bao gồm 40.000 trạm bán lẻ xăng dầu tư nhân, trong đó có nhiều trạm xăng của gia đình).

“Nguồn cung xăng dầu dư thừa từ các nhà máy lọc dầu tư nhân đang xâm chiếm thị phần bán lẻ xăng dầu mà hai công ty lớn vốn nắm giữ mấy năm trước”, nhà nghiên cứu thị trường dầu lửa Yan Kefeng thuộc IHS Markit nhận xét.

Theo ông Yu Chang, một người từng phụ trách mảng bán lẻ của Shell China và là nhà sáng lập công ty bán lẻ xăng dầu điện tử AutoGo, Sinopec và Petro China hiện kiểm soát khoảng 2/3 thị trường bán lẻ xăng dầu ở Trung Quốc, còn các công ty tư nhân nắm khoảng 1/4.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài như BP, Shell, Total và Exxon hiện sở hữu và vận hành gần 4.000 trạm xăng ở Trung Quốc, chiếm thị phần khoảng 8%, chủ yếu thông qua liên doanh với Sinopec hoặc Petro China.

Dù tỷ suất lợi nhuận bị ảnh hưởng, Sinopec và Petro China vẫn không lo thua lỗ ở mảng bán lẻ. Đó là nhờ sự thống lĩnh thị trường của hai công ty này ở những vùng tiêu thụ xăng dầu chủ chốt của Trung Quốc ở phía Nam và phía Đông nước này, nơi họ không cần phải giảm giá nhiều và người tiêu dùng khá giả ít nhạy cảm hơn với những đợt giảm giá xăng dầu.

So với mức giá 5,24 Nhân dân tệ/lít xăng ở Luliang, người tiêu dùng ở Bắc Kinh phải trả cao hơn, với 6,66 Nhân dân tệ mỗi lít. Giá xăng ở Bắc Kinh cao hơn 12% so với giá xăng cao cấp ở California, Mỹ, nhưng chỉ bằng khoảng một nửa giá xăng ở Singapore.

Nguồn tin từ các công ty đối thủ nói rằng có thể Sinopec đang đi đầu trong cuộc đua giảm giá xăng dầu nhằm giữ vững doanh thu ở mảng bán lẻ và đẩy mạnh mảng này trước khi tiến hành kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá nhiều tỷ USD.

Sinopec hiện nắm trong tay một mạng lưới gồm 30.000 trạm bán lẻ xăng dầu và hơn 23.000 cửa hàng tiện ích. Hệ thống này được xem là một tài sản quan trọng của Sinopec và được giới phân tích định giá tới 58 tỷ USD.

Nguồn: