Vì sao giá dầu thế giới khó duy trì đà phục hồi trong dài hạn?
01:55 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Năm, 2020

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) cho rằng thị trường nhiên liệu đang cân bằng hơn, nhưng đà phục hồi gần đây của giá “vàng đen” có thể chỉ là tạm thời.

Tín hiệu tích cực đối với nhu cầu

Thị trường năng lượng vừa có thêm một tuần tích cực với giá dầu WTI đang hướng đến 30 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai chốt phiên cuối tuần tăng 4,4%, lên 32,5 USD/thùng, và leo dốc 5,2% trong tuần. Giá dầu WTI tương lai nhích 16,8%, lên 29,43 USD/thùng, chốt tuần tăng 19,7%. Đây là tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp với cả hai loại dầu.

Giá dầu phục hồi mạnh kể từ đầu tháng đến nay.

Sau khi chứng kiến mức giá âm lần đầu tiên trong lịch sử hôm 21/4, giá dầu bật tăng mạnh mẽ kể từ đầu tháng này nhờ thị trường kỳ vọng rằng nhu cầu có thể sớm phục hồi với việc các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khi các nước nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm kỷ lục sản lượng.

Trong một nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đã bắt đầu cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5. Nhu cầu nhiên liệu đã giảm kỷ lục gần 30 triệu thùng/ngày khi các nước thực thi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch Covid-19 khiến phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Cùng với đó, sản lượng dầu của Mỹ sụt giảm đáng kể khi các công ty năng lượng của nước này giảm số giàn khoan dầu hoạt động. Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại nước này trong tuần kết thúc ngày 8/5 giảm 745.000 thùng, trái ngược dự báo tăng 4,1 triệu thùng từ giới phân tích. Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm 34 giàn khoan đang hoạt động xuống còn 258, tuần giảm thứ 9 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2009, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Bên cạnh đó, số liệu từ nền kinh tế Trung Quốc cũng góp phần đưa giá dầu WTI hướng đến mốc 30 USD/thùng. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 4 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện từ mức giảm 1,1% trong tháng 3.

“Giá dầu WTI gần đỉnh hai tháng nhờ sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc tăng lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 xuất hiện, gia tăng kỳ vọng lực cầu sớm cải thiện tại châu Âu và Mỹ”, nhà phân tích hàng hóa Ed Moya tại OANDA, New York, nói.

Trong một báo cáo công bố hồi tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ giảm nhanh hơn dự kiến. Việc các nước nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn dịch Covid-19 cũng đang giúp cải thiện nhu cầu đối với dầu mỏ.

Đà phục hồi chỉ là tạm thời

Giới phân tích cảnh báo rằng đà tăng của giá dầu có thể sẽ không được duy trì trong dài hạn. "Chúng tôi cho rằng sự hưng phấn hiện tại trên thị trường dầu mỏ chỉ là tạm thời. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 12 đã tăng lên tới 33 USD/thùng, nhưng đây có thể là giới hạn cao nhất mà giá dầu đạt được" - Công ty Commerzbank cảnh báo.

Ông Sultan Al Jaber - Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (ADNOC) nhận định: “Thị trường dầu đang trở nên cân bằng hơn sau khi nhu cầu sụt giảm hơn 50% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song khả năng phục hồi về mức bình thường như trước thời điểm bùng phát dịch bệnh hiện chưa chắc chắn”.

“Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy cung cầu trên thị trường nhiên liệu đã được thắt chặt hơn trong những tuần gần đây nhờ nỗ lực thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ cũng như việc tự nguyện giảm sản lượng của các nước ngoài OPEC” – CEO Al Jaber nhấn mạnh.

Mặc dù nhiều quốc gia tại châu Á, châu Âu đã nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế, nỗi lo về làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai vẫn tiếp tục gây sức ép lên giá “vàng đen”.

Giới phân tích vẫn thận trọng về khả năng phục hồi của giá dầu trong dài hạn.

“Để thị trường dầu toàn cầu có thể khôi phục được nhu cầu khoảng 100 triệu thùng/ngày như những năm gần đây, sẽ mất một thời gian rất dài và sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tăng trưởng kinh tế thế giới và liệu có xuất hiện một đợt lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19 hay không”- Giám đốc IEA Fatih Birol nhận xét.

Đà phục hồi của thị trường năng lượng trong thời gian sắp tới cũng phụ thuộc vào việc các nước có tuân thủ đúng cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ hay không” - IEA nhận xét.

Các nước OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 10/6 tới để thảo luận về thị trường dầu mỏ và chính sách điều hành sản lượng để cân bằng cung cầu nhằm hỗ trợ giá dầu đi lên sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 20 năm gần đây./.

Nguồn: