Vịnh Mexico đang dần trở lại thời hoàng kim
02:27 SA @ Thứ Hai - 11 Tháng Mười Một, 2013
Ba năm sau vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon của Công ty BP gây ra tràn dầu ô nhiễm nghiêm trọng, hiện nay hoạt động khai thác vàng đen trong vịnh Mexico đã tìm lại được ánh hào quang xưa.

Vịnh Mexico nay đã một lần nữa trở thành nơi đến lý tưởng của nhiều công ty khai thác dầu với khoảng 60 giếng khoan, một kỷ lục. Vốn đầu tư của các công ty vào đây sẽ đạt đến 12 tỉ USD/năm cho đến năm 2017, trong khi con số này không đến 7 tỉ vào năm 2009, thời điểm trước thảm họa tràn dầu.

Hoạt động khai thác đã chậm lại sau khi có sắc lệnh của Tổng thống Obama vào tháng 5-2010 về việc khoan dầu ngoài khơi. Các quy tắc về an toàn nghiêm ngặt hơn đã được thiết lập sau khi sắc lệnh này được dỡ bỏ sau đó năm tháng đã khiến chi phí thăm dò và khai thác bị đội lên cao, song các công ty dầu mỏ vẫn không nản chí. Bởi các tiến bộ kỹ thuật về thăm dò địa chất đã giúp dự báo chính xác các túi dầu khổng lồ mà cho đến gần đây vẫn còn bị hoài nghi. Tổng giám đốc hãng Technip là Thierry Pilenko đã giải thích rằng phần đất nền bên dưới vịnh Mexico được cấu tạo từ những lớp muối nằm rất sâu và có nhiều hình dạng khác thường. Nhưng ngay từ giữa thập niên 2000, kỹ thuật 3D đã giúp định dạng được chính xác các cấu trúc phức tạp của nền đất này.

Cách đây vài năm, hãng Chevron của Mỹ đã phát hiện ra các vỉa dầu Jack và St Malo với trữ lượng ước tính lên đến 500 triệu thùng. Tháng 6-2011, hãng ExxonMobil cũng đã thông báo một phát hiện lớn tại Hadrian với 700 triệu thùng. Cuối năm 2012, hãng Total cũng đã phát hiện ra vài trăm triệu thùng tại khu vực này. Nhìn chung, theo Tập đoàn Nghiên cứu và Tư vấn WoodMackenzie, các đợt khoan thăm dò ngày càng nhiều có thể giúp phát hiện thêm 12 tỉ thùng nữa trong vịnh Mexico.

Nhờ vào các phát hiện này, sản lượng khai thác vốn đã sụt giảm còn 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2013 có thể sẽ vượt qua mức 2 triệu thùng/ngày vào khoảng năm 2018-2019. Hãng Shell cũng vừa mới nâng cấp giếng khoan sâu nhất thế giới hiện nay tại Stones, sâu 2.919 m dưới mực nước biển.

Nguồn: