Bay ra giếng khoan Cá Lăng
02:33 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Bảy, 2018

Chiếc trực thăng EC-155 của Tổng công ty trực thăng VN bốc nhanh khỏi sân bay Nước Mặn (TP.Đà Nẵng) và hướng ra Biển Đông, đưa Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng chúng tôi tới giàn khoan Scarabeo 7.

Mũi khoan thăm dò đang hoạt động tại giếng Cá Lăng 1X  /// Ảnh:Mai Thanh Hải
Mũi khoan thăm dò đang hoạt động tại giếng Cá Lăng 1X
ẢNH: MAI THANH HẢI

Gần tiếng đồng hồ bay dọc bờ biển, nhìn vào trong thấy mờ mờ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) và qua đảo tiền tiêu Lý Sơn tròn vo miệng núi lửa, rất lâu sau mới thấy giàn khoan Scarabeo 7 màu vàng đỏ nổi bật trên biển xanh. Tiến sĩ Trương Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý các hoạt động khoan, Ban Thăm dò tìm kiếm dầu khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), chỉ tay ra phía cửa sổ giải thích trong tiếng động cơ trực thăng ầm ù: “Giàn khoan Scarabeo 7 đang thực hiện khoan thăm dò giếng Cá Lăng 1X tại lô 120”.

Mỗi ngày tiêu 10 tỉ đồng

Máy bay đáp xuống, chúng tôi nhanh chóng tới phòng họp để làm việc. Sau khi nhà thầu khoan Saipem giới thiệu về quy mô hiện đại của giàn khoan cao như căn nhà chục tầng, rộng mênh mông với các phân khu chức năng, kỹ sư Nguyễn Khánh Trung, Công ty Eni Việt Nam, nói về hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Eni tại 5 lô ở khu vực miền Trung. Riêng tại giếng Cá Lăng 1X, Eni đã đặt xong hệ thống chống phun trào. Do đặc thù giếng, việc triển khai kỹ thuật khoan rất phức tạp, nên công ty đã triển khai kỹ thuật chống mất dung dịch độc quyền vừa hiệu quả vừa giảm mùn khoan, xả thải ra môi trường... Hiện chi phí cho giàn khoan mỗi ngày khoảng 450.000 USD, tức mở mắt ra là đã phải chi khoảng 10 tỉ đồng để hoạt động. Riêng tiền thuê máy bay trực thăng đã là 2.200 USD/giờ bay, trong khi mỗi ngày bay vài chuyến, cả chục giờ…

Bay ra giếng khoan Cá Lăng - ảnh 1

Ông Huỳnh Đức Thơ thăm các chuyên gia, kỹ sư Eni và PVN làm việc tại trung tâm điều khiển

Doanh nhân Minh Nguyễn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý lô hợp đồng dầu khí 120, đồng thời là tư vấn pháp lý cao cấp của Công ty Eni Việt Nam, được rất nhiều người biết bởi là Việt kiều Mỹ, chồng diễn viên điện ảnh Hiền Mai bao năm nay thầm lặng với hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Anh Minh Nguyễn giải thích cặn kẽ: Eni Việt Nam là một công ty con của Tập đoàn Eni Spa - Italia hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Eni Spa đang hoạt động tại 71 quốc gia trên thế giới với sản lượng trung bình hiện nay hơn 1,8 triệu thùng dầu/ngày.

Ngay từ cuối năm 1950, Eni (Agip) đã có mặt tại VN trong lĩnh vực thương mại. Cuối 1977, Eni tiến hành khoan thăm dò 6 giếng tại 2 lô ngoài khơi thuộc bể Nam Côn Sơn, nhưng do không đủ trữ lượng để khai thác thương mại nên rút khỏi VN. Tháng 6.2012, Eni trở lại VN sau khi ký hợp đồng tìm kiếm thăm dò dầu khí tại các lô 105, 114 và 120 ngoài khơi miền Trung VN. Năm 2014, Eni tiếp tục ký kết thêm 3 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) các lô 116, 122 và 14 ngoài khơi miền Trung.

Tiềm năng “hậu cứ miền Trung”

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ra giàn khoan không mang thư ký. Ông rành rọt trao đổi bằng tiếng Anh với các chuyên gia nước ngoài làm việc trên Scarabeo 7, toàn từ kỹ thuật chuyên ngành, khiến cô phiên dịch của Eni Việt Nam từ TP.HCM bay ra nhàn rỗi hẳn.

Thấy tôi tròn xoe mắt, ông Thơ cười: “Hồi làm Giám đốc Công ty cung ứng và phát triển kỹ thuật Đà Nẵng (nay là Công ty cổ phần SEATECCO), liên tục mua bán tiếp xúc với máy móc thiết bị, cấp dưới lại toàn kỹ sư nên phải tự học ngoại ngữ, tự hỏi đồng nghiệp để không bị đối tác... bắt nạt” và bật mí: “Tháng 5.2018, bà Đại sứ Ý và ông Luca, Giám đốc Eni Việt Nam, ra Đà Nẵng làm việc trước khi thực hiện khoan giếng Cá Lăng 1X, mình thấy đây là cơ hội góp phần phát triển địa phương nên cũng phải đọc, tìm hiểu về dầu khí và đề nghị được ra giàn khoan để tìm hiểu trực tiếp”…

Ngồi trong nhà ăn trưa, ông Minh Nguyễn đề nghị Đà Nẵng sớm hỗ trợ triển khai nạo vét luồng Thọ Quang vào cảng PTSC để các tàu dịch vụ dầu khí tải trọng lớn có thể vào được, chuẩn bị cho kế hoạch khoan 2 giếng thăm dò tại lô 114 và 116 từ tháng 4.2019. Hiện nay các vật tư để tại cảng PTSC Đà Nẵng nhưng tàu thì cập bên cảng Tiên Sa, mỗi lần chuyển hàng lên tàu phải dùng xe chuyên dụng chở từ cảng PTSC sang cảng Tiên Sa, phát sinh chi phí của giếng. Thêm nữa, Tiên Sa là cảng thương mại nên các hoạt động bên cảng rất đông, khi vận chuyển từ PTSC sang gặp nhiều khó khăn. TS Trương Hoài Nam thì thẳng thắn: “Đề nghị Chủ tịch chỉ đạo để Eni sớm có được giấy phép xả thải mùn khoan cho kế hoạch khoan cho lô 114 và 116 vào năm 2019”.

Bay ra giếng khoan Cá Lăng - ảnh 3
Giàn khoan Scarabeo 7 nhìn từ trên cao

Chủ tịch TP.Đà Nẵng cho biết dự án nạo vét luồng Thọ Quang để tàu tải trọng lớn vào được cảng PTSC Đà Nẵng do Bộ GTVT đảm trách. “Ngay khi về, tôi sẽ báo cáo Bí thư Thành ủy có tác động với Bộ để sớm triển khai”, ông Thơ nói và khẳng định: “Đà Nẵng sẽ nỗ lực để trở thành căn cứ dịch vụ hậu cần cho các hoạt động khoan thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực miền Trung”.

Gìn giữ chủ quyền

Nguyễn Công Nhật (34 tuổi, nhà ở TP.HCM) là kỹ sư khoan, đảm nhận công đoạn rất quan trọng - nguy hiểm là gắn phóng xạ vào bộ thiết bị đầu mũi khoan để xác định các khu vực có dầu, khí. Chuyên ngành của Nhật có thể nói là “hiếm có khó tìm” trong lĩnh vực dầu khí toàn thế giới, chứ không riêng VN. Chính vậy, Nhật có mặt ở hầu hết các giàn khoan thăm dò trên vùng biển Tổ quốc, thi thoảng mới tham gia các hoạt động dầu khí nước ngoài. Hỏi lý do, Nhật cười: “Làm ở nước ngoài, lương bổng có cao nhưng vẫn là đi làm thuê, phục vụ cho quốc gia khác thịnh vượng. Mình người VN, làm việc trên vùng biển VN, thấy rõ ràng việc góp sức cho đất nước”.

Hôm trước khi bay từ sân bay Nước Mặn ra giếng Cá Lăng 1X, tôi thấy TS Trương Hoài Nam đôn đáo mua vật dụng cá nhân, hỏi mới biết mang “tiếp tế” cho đồng nghiệp Dương Hùng Vĩ. Vĩ năm nay 32 tuổi, nhà ở Hà Nội, là kỹ sư khoan của Ban Tìm kiếm thăm dò dầu khí, đảm nhận chức danh “đại diện PVN trong thời gian giàn khoan Scarabeo 7 hoạt động trên vùng biển VN”. “Hơn 1 năm nay em đi biển suốt, có khi vừa về đến nhà lại phải đi”, Vĩ kể.

Ra giếng khoan Cá Lăng, nghe chuyện Nhật, Vĩ cùng 40 kỹ sư, công nhân VN làm việc trên giàn Scarabeo 7 mỗi ngày thay nhau treo cờ đỏ sao vàng cạnh quốc kỳ Italia 3 màu xanh trắng đỏ, khi về Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói với tôi: “Có ra tận nơi, mới thực sự xúc động và trân trọng những cán bộ công nhân bao năm thầm lặng cống hiến, làm việc và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ai cũng thấy vậy, khi ra với những giếng khoan mỏ dầu, tít tắp ngoài khơi xa.

Theo doanh nhân Minh Nguyễn, tại thời điểm tháng 7.2018, Eni Việt Nam là nhà điều hành cho 5 lô bể Phú Khánh và nam Sông Hồng ngoài khơi miền Trung VN (114, 116, 120, 122, 124) với tổng diện tích khoảng 31.000 km2. Năm 2013, Eni khoan thăm dò 2 giếng thì 1 giếng có biểu hiện dầu khí, 1 giếng không đủ trữ lượng khai thác thương mại nhưng có ý nghĩa cho các hoạt động thăm dò sau này. Năm 2018, khoan thăm dò giếng Cá Lăng 1X. Năm 2019, khoan thêm 2 giếng ở khu vực nước nông. 2020 tiến hành khoan 2 giếng ở khu vực nước sâu.

Giếng khoan Cá Lăng 1X nằm ở lô 120, kề sát mỏ Cá Voi Xanh thuộc lô 118. Tại Hội nghị Doanh nhân APEC 2017, ông Liam Mallon, Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil, đã thông tin về dự án mỏ khí Cá Voi Xanh đang được triển khai giữa PVN và tập đoàn này cho biết: “Đây là dự án lớn nhất, phức tạp nhất của tập đoàn tại VN”. Mỏ Cá Voi Xanh đã hoàn thành công tác thăm dò - thẩm lượng, có kế hoạch khai thác thương mại vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, dự kiến năm 2023 mỏ sẽ được khai thác.

Nguồn: