Buôn lậu xăng dầu - Những phi vụ tiền tỷ giữa biển khơi
02:38 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Bảy, 2017

Gần 5 triệu lít dầu D.O lậu, trị giá hàng chục tỷ đồng đã được lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng tới gần 3,5 triệu lít so với cùng kỳ năm 2016.

Vụ bắt giữ do Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 thực hiện ngày 7/6.
Ảnh: Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.

Một trong những thực trạng và cũng là khó khăn được các địa phương và lực lượng chủ công trong lĩnh vực chống buôn lậu xăng dầu trên biển chỉ ra là việc các đối tượng thường lựa chọn vùng biển ở khu vực đặc quyền kinh tế và cách đường cơ sở khoảng vài chục đến cả trăm hải lý để giao dịch. Các địa bàn nóng về nạn buôn lậu xăng dầu tập trung ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Sóc Trăng, vùng biển giáp ranh với một số quốc gia Đông Nam Á…

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 6 tháng đầu năm 2017, toàn lực lượng phát hiện, xử lý vụ việc lớn liên quan đến buôn lậu xăng dầu trên biển với 30 tàu vi phạm, tăng 9 tàu so với cùng kỳ 2016. Tổng số tăng vật thu giữ là 4,94triệu lít dầu D.O, tăng 3,482 triệu lít so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm là hơn 55 tỷ đồng, tăng hơn 40 tỷ đồng so với 6 thàng đầu năm 2016.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra mới đây, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đặt ra từ nay đến cuối năm là triển khai hiệu quả Kế hoạch 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn- Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân tích, hoạt động buôn lậu dầu D.O trên biển diễn ra ngày một tinh vi. Các đối tượng sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuận hiện đại, lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, ngày thời tiết xấu… để thực hiện giao dịch.

Các đầu nậu tổ chức mua dầu của tàu nước ngoài trên biển với giá rẻ, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp và bán trực tiếp lại cho các tàu đánh cá, khai thác hải sản của ngư dân. Các tàu nước ngoài thường không có giấy tờ chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu…

Đáng chú ý, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, việc buôn lậu chủ yếu diễn ra ở vùng biển đặc quyền kinh tế, giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cách rất xa bờ biển Việt Nam. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển trong việc bắt quả tang hành vi vi phạm. “Bởi thực tiễn hoạt động trên biển phụ thuộc lớn vào thời tiết, mặt khác địa hình trống trải, việc tiếp cận khó giữ được bí mật”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nói.

Cũng theo Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các vụ buôn lậu dầu D.O thường có trị giá hàng hóa lớn, có thể lên đến nhiều tỷ đồng/vụ, do đó, các đối tượng tổ chức ngụy trang, che giấu rất tinh vi. Kinh nghiệm từ các vụ buôn lậu do lực lượng Cảnh sát biển triệt phá vừa qua cho thấy, các đối tượng mua, bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận dầu, tiền qua trung gian, hoạt động khép kín. Trong đó, việc giao, nhận dầu được thực hiện trên biển, nhưng tiền lại được trao đổi trong đất liền, người đứng ra nhận tiền ở những địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim “rác”, nên việc xác định hành vi buôn lậu để xử lý tận gốc rễ gặp nhiều khó khăn.

Đáng ngại hơn, có vụ việc các đối tượng trang bị cả súng quân dụng và sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tiếp cận.

Thị trường tiền “bẩn”

Vấn nạn buôn lậu xăng dầu trên biển đang diễn ra nhức nhối và gây nhiều hệ lụy. Đó là gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; gây mất an ninh, an toàn trên biển; tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng; hay chất lượng xăng dầu không được kiểm soát… Mặt khác, hoạt động này còn gây nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường biển bởi các vi phạm thường cũ nát.

Đặc biệt, việc buôn lậu xăng dầu trên biển còn tạo ra những đồng tiền “bẩn”, bởi các đối tượng phải tìm cách rửa tiền ở trong nước hoặc nước ngoài, từ đó tạo cơ hội phát sinh các loại tội phạm khác có tổ chức, xuyên quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu xăng dầu trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đề xuất Chính phủ nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc kinh doanh xăng dầu trên biển. Đồng thời có chính sách khuyến khích đối với hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu cho ngư dân ngay trên biển với giá cạnh tranh để hạn chế việc ngư dân mua dầu lậu…

Ngày 7/6, trên vùng biển Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ tàu Princess sofea vận chuyển trái phép dầu D.O. Tư lệnh Cảnh sát biển đã xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hơn 1 triệu lít dầu. Tổng số tiền xử phạt và bán tài sản tịch thu sung công quỹ là hơn 10,5 tỷ đồng.

Ngày 21/5, trên vùng biển cách Đông Nam đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 90 hải lý, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ 3 tàu Thái Lan và 4 tàu cá Việt Nam đang sang mạn dầu trái phép. Tư lệnh Cảnh sát biển đã xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu 1,23 triệu lít dầu. Tổng số tiền xử phạt và bán tài sản tịch thu sung công quỹ là hơn 12,5 tỷ đồng.

Ngày 21/4, trên vùng biển cách Đông Nam đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 130 hải lý, cách đường phân định Việt Nam- Indonesia khoảng 15 hải lý về phía Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, truy đổi, kiểm tra, tạm giữ 3 tàu nước ngoài, 1 tàu Việt Nam đang mua bán, sang mạn trái phép dầu D.O. Tư lệnh Cảnh sát biển đã xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu gần 1,262 triệu lít dầu. Tổng số tiền xử phạt và bán tài sản tịch thu sung công quỹ là gần 13,1 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)

Nguồn: