Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 11 tăng
01:42 SA @ Thứ Ba - 30 Tháng Mười Một, 2021

Giá xăng dầu, gas tăng, các địa phương dần trở lại với trạng thái 'bình thường mới' khiến giá hàng hóa tăng là nguyên nhân chính thúc CPI tháng 11 tăng trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

CPI tháng 11 tăng trở lại. (Ảnh minh họa)

Trong mức tăng 0,32% của CPI tháng 11, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 3,11% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 26/10, 10/11/2021 và điều chỉnh giảm vào ngày 25/11.

Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46%, trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng trước do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với các nhóm hàng khác tăng.

Ở chiều ngược lại, trong 2 nhóm hàng giảm giá thì nhóm giáo dục trong tháng 11 giảm 0,92% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4,04%, 0,34%, 1,55% và 0,16%.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11 tăng 2,65% so với tháng trước; tăng 0,75% so với tháng 12/2020 và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 11 tháng tăng 9,39%.

Chỉ số giá USD giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,4% so với tháng 12/2020 và giảm 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 11 tháng giảm 1%.

Nguồn: