Giải tỏa nỗi lo tăng giá theo xăng
04:49 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Giêng, 2017

Một tuần sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tại các chợ lẻ ở TP Hồ Chí Minh cũng đã rục rịch tăng theo, khiến người tiêu dùng thấp thỏm lo lắng khi năm hết, Tết đến. Giải tỏa nỗi lo này, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng cam kết không tăng giá hàng hóa, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát chặt việc tự đẩy giá ở thị trường tự do.

Tìm cách kiềm chế tăng giá

Ông Lê Hoàng Phong, phụ trách kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ, mặc dù giá xăng dầu tăng cả tuần nay nhưng Ban quản lý chợ đã làm công tác tư tưởng với tiểu thương và các nhà xe, khuyến khích họ giữ giá ổn định như trước. Kết quả nhận được rất khả quan, các nhà xe cam kết sẽ không tăng giá cước, dù giá xăng dầu có tăng đi chăng nữa. “Hiện nay, giá một số mặt hàng rau quả tăng đột biến là do mưa bão nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung. Cụ thể, các loại rau xà lách một tuần trước chỉ từ 17.000 đồng đến 22.000 đồng/kg, vọt lên từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, tăng 104%. Trong khi đó, giá thịt heo ổn định, trung bình mỗi đêm về chợ khoảng 400 tấn, giá từ 36.500 đồng đến 39.500 đồng/kg” - ông Phong cho biết thêm. Tương tự, các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền… giá cả cũng không biến động.

Trái cây, rau củ là những mặt hàng dự báo sẽ tăng giá cao dịp Tết Nguyên đán sắp tới khiến người tiêu dùng lo lắng.

Để có được nguồn hàng ổn định, giá cả tốt trong thời điểm “sốt hàng, sốt giá” cuối năm, bà Nguyễn Thị Bé, kinh doanh ngành hàng trái cây ở chợ Tân Định (quận 1) đã thuê xe xuống tận nhà vườn bao tiêu sản phẩm của nông dân. “Hai ngày nay, nhiều loại trái cây tại các nhà vườn ở Bến Tre thông báo tăng giá từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, vì cuối năm nhu cầu mua trái cây nhiều, trong khi nguồn cung khá hạn chế. Riêng cước vận chuyển cũng tăng thêm từ 5.000 đến 10.000 đồng/thùng vì lý do giá xăng tăng cho nên giá cước cũng tăng theo. Vì vậy, tôi “bắt tay” với nhiều tiểu thương khác, đưa xe xuống nhà vườn thu mua nông sản. Nhờ “mua tận gốc, bán tận ngọn”, mình có đủ nguồn hàng mà giá cả phải chăng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Mình lời ít một chút nhưng trong thời buổi này, nếu biết chia sẻ khó khăn với nhau thì cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng đều hưởng lợi” - bà Bé nói.

Cam kết bình ổn

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá xăng thời điểm này sẽ khiến nhiều công ty sản xuất hàng Tết gặp khó khăn. Thế nhưng khi được hỏi, hầu như không có doanh nghiệp nào có ý định tăng giá sản phẩm. Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thanh Hùng phân trần: “Khi xăng, dầu cùng tăng giá, chúng tôi phải chờ báo cáo từ những đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối. Nếu mức tăng của họ không nhiều, công ty vẫn sẽ giữ giá bán như trước, trường hợp tăng cao thì công ty mới tính toán đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng hết sức để giữ giá bán ngày Tết được như ngày thường”. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm bộc bạch, giá hàng thực phẩm của đơn vị thời gian qua không tăng, dù giá xăng tăng nhiều đợt. Dự kiến mùa Tết này, công ty tiếp tục giữ mức giá bán như ngày thường.

Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Phạm Trung Kiên thì khẳng định, đến thời điểm này, siêu thị chưa nhận được bất kỳ thông báo điều chỉnh giá nào của các đơn vị cung cấp. “Chúng tôi vẫn sẽ bảo đảm giá cả bình ổn dịp trước, trong và sau Tết, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm cuối năm. Co.op cũng cố gắng để không có bất kỳ biến động giá cả nào xảy ra trong thời điểm nhạy cảm này”. Cũng theo ông Kiên, biến động giá sẽ khó xảy ra trong thời điểm hiện tại. Chín nhóm hàng bình ổn thị trường như rau củ, quả, thịt gia súc, trứng, nhóm gia vị, thực phẩm khô... sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu ngay, trường hợp nếu phải tăng là do thành phố cho phép, còn doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Co.op thì không phải muốn tăng giá là tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản chia sẻ: “Cước vận tải hàng hóa do chủ doanh nghiệp quyết định giá cả, thỏa thuận với khách hàng. Hiện nay, cung đã vượt cầu, xe vận chuyển và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nở rộ và giá cả rất cạnh tranh. Nếu lợi dụng giá xăng dầu tăng để tăng giá cước thì nhiều hãng xe sẽ không còn khách. Vì vậy, theo tôi, giá cước vận tải hàng hóa rất khó tăng, nhất là vào lúc này”.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, những ngày qua, một số loại rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống tăng giá mạnh do tác động của thời tiết. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đến nhiều loại hàng hóa khác; riêng giá các mặt hàng trong nhóm bình ổn giá để phục vụ Tết cho người dân vẫn ổn định. Chi cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết. Đơn vị sẽ kiểm tra và xử lý mạnh tay nếu phát hiện những trường hợp “hét” giá, nâng giá bất hợp lý, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: