Hòa Bình: Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu
07:43 SA @ Thứ Hai - 11 Tháng Ba, 2024

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Cục Thuế Hòa Bình đã tập trung rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế, qua đó, giao chỉ tiêu đến từng bộ phận, từng công chức để đôn đốc, tuyên truyền về việc thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng.

Phân loại đối tượng để xây dựng kế hoạch triển khai

Theo Cục Thuế Hòa Bình, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Từ ngày 5/3/2024 đến 7/3/2024 Tổ triển khai đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Ảnh: CTV.

Theo đó, Cục Thuế Hòa Bình đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 16/2/2024 về việc thành lập Tổ triển khai quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, giao cục thuế chủ trì làm Tổ trưởng, thành viên gồm: Sở khoa học và công nghệ, sở công thương, cục quản lý thị trường, công an tỉnh.

Cục Thuế Hòa Bình cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 183 cửa hàng, 654 trạm bơm. Một số cửa hàng nằm ở các địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn. Trước tình hình đó, cục thuế đã ban hành các văn bản nhằm tuyên truyền, hướng dẫn đôn đốc, yêu cầu người nộp thuế (NNT) thực hiện nghiêm các quy định HĐĐT theo Nghị định số 123/NĐ-CP, triển khai việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, có văn bản chỉ đạo, quán triệt các phòng, chi cục thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu; tập trung đôn đốc, rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cụ thể của NNT, phân loại đối tượng để xây dựng kế hoạch triển khai, giao chỉ tiêu đến từng bộ phận, từng công chức để đôn đốc, tuyên truyền về việc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng;

Cục thuế cũng tổ chức Hội nghị triển khai áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, trên cơ sở thực trạng của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh để tư vấn các giải pháp tối ưu nhằm giảm chi phí mà vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý.

Cùng với đó, tuyên truyền qua zalo, facebook, trang thông tin điện tử của cục thuế về các tiện ích, các giải pháp đối với việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu để NNT được biết.

147/182 cửa hàng thực hiện phát hành hóa đơn theo từng lần bán hàng

Theo Cục Thuế Hòa Bình, với vai trò Tổ trưởng tổ triển khai quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, cục thuế đã xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình và đôn đốc thực hiện triển khai.

Số cửa hàng xăng dầu đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng là 147/182 cửa hàng, 522/654 cột bơm (đạt tỷ lệ 81%).
Số cửa hàng xăng dầu đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng là 147/182 cửa hàng, 522/654 cột bơm (đạt tỷ lệ 81%).

Từ ngày 5/3/2024 đến 7/3/2024 Tổ triển khai đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cùng với sự nỗ lực rà soát, đôn đốc của các Phòng thanh tra, kiểm tra, các chi cục thuế, kết quả cụ thể như sau: Số cửa hàng đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng là 147/182 cửa hàng, 522/654 cột bơm (đạt tỷ lệ 81%) trong đó: 82/147 (55.8%) cửa hàng chọn phương pháp sử dụng máy POS, camera AI; 65/147 (44%) cửa hàng chọn phương án trụ bơm thông minh.

Ngoài ra, quá trình làm việc, Tổ triển khai HĐĐT ghi nhận 11 cửa hàng đã thực hiện ký hợp đồng với nhà cung cấp hoặc lắp đặt các thiết bị sử dụng giải pháp phần mềm quản lý xăng dầu và đang trong thời gian hoàn thiện các thủ tục để phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Cục Thuế Hòa Bình cho biết, trong quá trình thực tế, Sở Khoa học và Công Nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường và Chất lượng) đánh giá, trên địa bàn tỉnh chỉ có 20% số lượng cột bơm xăng, dầu đáp ứng phương án trụ bơm thông minh không dây hoặc có dây, số lượng còn lại phải thực hiện nâng cấp mới có thể thực hiện áp dụng phần mềm quản lý xăng dầu, dẫn đến chi phí đầu tư lớn, nếu có sử dụng phải mất thời gian chờ kiểm định, phê duyệt mẫu;

Đồng thời, một số cửa hàng xăng dầu đặt tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, số lượt người mua ít, doanh thu nhỏ, một số của hàng nằm trong địa bàn quy hoạch phải di dời. Do đó, số lượng lớn các cơ sở kinh doanh lựa chọn phương án sử dụng máy POS, hiệu quả quản lý phụ thuộc lớn vào người sử dụng.

Tổ kiểm tra cũng ghi nhận những ý kiến của nhiều cơ sở kinh doanh về các vấn đề phát sinh với lượng xăng hút ra khi cây xăng hỏng, sửa chữa… Một số cơ sở còn chần chừ, do dự chưa thực hiện ngay do vấn đề về tài chính gây khó khăn cho công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc…

Theo Cục Thuế Hòa Bình, trong 10 ngày tới, cục thuế tiếp tục thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn đối với các tổ chức, cơ sở kinh doanh xăng, dầu tại 8 địa bàn huyện còn lại, đặc biệt là các cửa hàng qua rà soát chưa thực hiện, hoặc có trụ sở tại địa bàn đặc biệt khó khăn.

Nguồn: