Nghị định 83 sửa đổi vẫn sẽ có Quỹ bình ổn xăng dầu
03:22 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Mười Hai, 2019

Trả lời câu hỏi về việc giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu sau khi Nghị định 83 được sửa đổi bổ sung, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.

“Giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu sau khi bổ sung, sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83)” có lẽ là câu hỏi được nhiều phóng viên quan tâm nhất trong buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2019 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 12/12/2019. Giải đáp thắc mắc của các phóng viên, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.

Ngoài vấn đề sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhiều nội dung "nóng" của ngành Công Thương cũng đã được đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm như: vấn đề bình ổn hàng hóa thị trường Tết, nhất là mặt hàng thịt lợn, tình hình xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP và EVFTA, vấn đề cổ phần hóa, điều tiết điện lực...

Doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu

Thông tin về tình hình hoạt động ngành công nghiệp thương mại 11 tháng năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 11 tháng hoạt động sản xuất công nghiệp đạt khá, tăng 93%, tuy nhiên, thấp hơn 11 tháng cùng kỳ 2018.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo duy trì tốc độ khá, 16%, thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Một số ngành tăng cao như: sản xuất dệt; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất kim loại; sản xuất đồ uống... Dự báo cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 9-10% và giá trị gia tăng toàn ngành khoảng 8,88- 9% (đạt mục tiêu kế hoạch đề ra).

họp báo thường ky Bộ Công Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin về tình hình hoạt động ngành công nghiệp thương mại 11 tháng năm 2019

Đáng chú ý, ở hoạt động xuất nhập khẩu, trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2019 tăng 7,8%. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội (xuất khẩu tăng 7%- 8% năm 2019). Mức tăng trưởng này cho thấy nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của 11 tháng năm 2019 là tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra tăng trưởng 7 - 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thông tin những giải pháp tiếp tục thực hiện để hoàn thành kế hoạch 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nhất về sản xuất và thủ tục xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng sản xuất theo kế hoạch.

Đồng thời, tăng cường giám sát đầu tư, phấn đấu đưa các dự án sản xuất theo đúng tiến độ góp phần tăng trưởng năng lực sản xuất chung của ngành. Cùng với đó, thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...

Tiếp tục giữ Quỹ bình ổn xăng dầu sau sửa đổi Nghị định 83

Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) sau 5 năm có hiệu lực, đã giúp công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng minh bạch, công khai; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát và khẩn trương triển khai các bước xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 theo đúng quy định.

họp báo thường ky Bộ Công Thương
Nhiều nội dung "nóng" của ngành Công Thương đã được đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm như: vấn đề bình ổn hàng hóa thị trường Tết, nhất là mặt hàng thịt lợn, tình hình xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP và EVFTA, vấn đề cổ phần hóa, điều tiết điện lực...

Trả lời câu hỏi về việc báo chí quan tâm nhất tại thời điểm này là giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.

Dự kiến, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi 8 nội dung như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...

Công tác cổ phần hóa sẽ được thực hiện đúng tiến độ

Tại buổi họp báo, nhiệm vụ cổ phần hóa của Bộ Công Thương cũng đã được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ tài chính đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/8/2019, về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Bộ Công Thương sẽ cổ phần hóa 2 đơn vị là Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BMC.

Hai đơn vị này theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải cổ phần hóa vào năm 2020. Hiện Bộ đang thực hiện rà soát các quy trình, thủ tục của 2 đơn vị, song có một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới Tổng Công ty Giấy Việt Nam (do Nhà máy Giấy Phương Nam thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đang có vướng mắc liên quan tới bán tài sản, nên đã ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của Tổng Công ty Giấy).

Ngoài ra, Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, khi thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện các phương án về nguồn đất. Tuy nhiên, một số đơn vị ở Phú Thọ, Hà Giang đang thực hiện thu hồi đất để phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế, do đó, Tổng Công ty Giấy cũng bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo rà soát lại vùng nguyên liệu, đặc biệt liên quan đến sắp xếp sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, do đó, việc sắp sắp theo Nghị định 167 theo trình tự chặt chẽ, khắt khe ảnh hướng đến tiến độ cổ phần hóa. Hiện nay, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BMC vẫn đang tiếp tục thực hiện, hoàn tất toàn bộ các quy trình, thủ tục liên quan đến cổ phần hóa.

Tiết kiệm nước, đảm bảo cung ứng đủ điện cho năm 2020

Về vấn đề thiếu nước tại các hồ chứa thủy điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết tình hình đang rất khó khăn. Theo đó, mực nước tại hồ Hòa Bình đang thấp hơn hàng năm 15m, tại hồ Sơn La là 13m và hồ Thác Bà là 12m. Dự tính, sản lượng điện thiếu hụt do hạn hán là hơn 4,4 tỷ kWh điện.

Trong khi đó, các hồ này vẫn phải thực hiện nhiệm vụ xả nước đổ ải sắp tới (khoảng 18 ngày với 4,3 tỷ m3). Ngoài ra, hồ Hòa Bình phải cung cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 400 m3/s. Ông Tuấn cho rằng đây là thách thức rất lớn đối với ngành điện.

Do vậy, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã có nhiều buổi họp, làm việc, trao đổi với các tỉnh, thành phố để sử dụng nước, điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, phát điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Riêng với hồ thủy điện Hòa Bình, ngoài hai nhiệm vụ trên, hồ Hòa Bình hiện nay còn có nhiệm vụ xả nước xuống hạ du để cấp nước cho nhà máy nước sông Đà, cấp nước chính cho Thủ đô Hà Nội.

họp báo thường kỳ Bộ Công Thương
lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực mong muốn người dân sử dụng tiết kiệm điện trong những tháng mùa khô năm nay

Hiện nay, với lưu lượng tối thiêu của nhà máy nước sông Đà là 400m3/s, đây là sản lượng liên tục phải duy trì để nhà máy nước sông Đà lọc nước, cấp nước cho Thủ đô.

Để tính toán, thực hiện mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, các địa phương trong vấn đề tuyên truyền đôn đốc các đơn vị triển khau sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm ở các khu vực xung quanh Hà Nội, đôn đốc các đơn vị nạo vét kênh mương, trạm bơm để tận dụng nguồn nước.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng.

Về phía ngành điện, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có phương thức vận hành hợp lý để đảm bảo vận hành điện cho năm tới.

Tới đây, Bộ sẽ đề xuất ban hành chỉ thị mới về tiết kiệm điện, hy vọng nhận được sự hỗ trợ của tất cả các khách hàng và người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: