Nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường xăng dầu: Người dân hưởng lợi
02:30 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười, 2020

Sau khi rà soát ý kiến bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN), Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Dự thảo được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, DN kinh doanh xăng dầu cũng như tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu sát với thực tế.

Minh bạch hoá thị trường xăng dầu

Sau hơn 5 năm ban hành và triển khai, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đến nay, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi; quan điểm điều hành và việc sửa đổi của nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này.

Theo Ban soạn thảo, để tăng tính cạnh tranh, thu hút các nguồn tài chính và nền quản trị doanh nghiệp tiên tiến, khoản 3, Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 đã cho phép các DN kinh doanh xăng dầu trong nước được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35%. Việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường sẽ giúp các DN trong nước có thêm tiềm lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kinh doanh, cải tiến công nghệ, kỹ năng điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của DN kinh doanh xăng dầu nhưng không quá 35%, góp phần làm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, làm cho thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không có quyền phủ quyết và do vậy chúng ta vẫn giữ được quyền quyết định trong vấn đề về kinh doanh xăng dầu dành cho các nhà đầu tư trong nước.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, tham gia của vốn ngoại, họ đầu tư vào và mở được 4 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Hưng Yên… đã tạo ra một phong cách dịch vụ mới, phục vụ tốt hơn, văn minh hơn nhưng giá bán lẻ nhà nước vẫn quy định và không được bán giá vượt theo giá quy định. Tuy nhiên, với sự tham gia của nhiều DN ngoại, sự cạnh tranh tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, chi phí cắt giảm thì DN vẫn cân đối có thể giảm được giá thành so với giá quy định nên DN không được bán giá cao hơn nhưng mà có thể bán được giá thấp hơn.

“Nếu nhiều DN tham gia và cùng bán giá thấp hơn thì người tiêu dùng được hưởng lợi vừa về giá và chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn, văn minh hơn”, ông Long đánh giá.

Theo ông Đông, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng nên khi mở cửa đối với lĩnh vực phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đã có sự cân nhắc kỹ về thời điểm mở cửa phù hợp. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng không cam kết mở cửa một số lĩnh vực, trong đó có xăng dầu, vì cần thêm thời gian để các DN trong nước có cơ hội lớn mạnh lên, xây dựng cơ sở vật chất.


Mở cửa thị trường xăng dầu người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn, văn minh hơn.

Thay cách tính giá cơ sở với xăng dầu

Một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Nghị định là khuyến khích các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã có hệ thống bán hàng, mở rộng phạm vi bán hàng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về địa hình thông qua việc cho phép áp dụng các thiết bị bán xăng dầu mini (đã được các cơ quan chức năng kiểm định an toàn về phòng cháy, chữa cháy và đo lường) để phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Hiện nay, tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, do không có các cửa hàng xăng dầu phục vụ người dân trong khoảng cách gần nên hiện tại người dân thường phải đi khá xa để được mua xăng dầu tích trữ vào các can nhựa và để trong nhà hoặc một số cửa hàng bán đồ tạp hóa ở mặt đường có sử dụng một số thiết bị tự chế để bán xăng dầu quy mô nhỏ (bình chứa khoảng 20 lít).

Việc dự trữ hoặc dùng các thiết bị tự chế để bán xăng dầu nêu trên thực sự là một mối nguy lớn có thể dẫn đến cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Do đó, Ban soạn thảo đã đề xuất bổ sung quy định cho phép các thiết bị bán xăng dầu mini được lắp đặt và bán xăng dầu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa bàn trên.

Theo Ban Dự thảo, tại Nghị định thay thế Nghị định 83 thay đổi cách tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. “Việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở nhằm xác định đúng cơ cấu nguồn xăng dầu (từ nguồn trong nước và nhập khẩu), theo đó giá xăng dầu sẽ được tính sát với giá thực tế các DN đang mua bán trên thị trường hơn, nhất là chi phí vận chuyển xăng dầu từ nguồn trong nước sẽ được tính toán phù hợp với thực tế phát sinh hơn theo hướng giảm so với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam như vậy có lợi hơn cho người tiêu dùng”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Vẫn giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Trong góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã kiến nghị Chính phủ sớm xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá được vận hành theo cơ chế thị trường, tiệm cận dần với giá thế giới. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.

Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu là cơ chế gắn với giá cơ sở để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay khi vẫn đặt ra việc phải quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ BOG xăng dầu sẽ không phù hợp. Như vậy, sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng theo đúng mục tiêu yêu cầu đề ra.

Về lâu dài, với xu thế phát triển của thị trường xăng dầu trong nước, ngày càng có nhiều thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối tham gia thị trường xăng dầu, thị phần của các doanh nghiệp lớn trước đây (Petrolimex, PVoil…) giảm dần, tính cạnh tranh tăng lên, năng lực cung ứng cho thị trường được bảo đảm hơn có thể cân nhắc tính đến việc bỏ điều hành giá xăng dầu, theo đó bỏ Quỹ BOG xăng dầu (công cụ điều hành giá).

Nguồn: