Nhiều biện pháp ứng phó với giá dầu giảm sâu
02:31 SA @ Thứ Ba - 02 Tháng Hai, 2016

Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tháng 2 này, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều biện pháp để có phương án và kịch bản đối phó với việc giá dầu giảm sâu dưới 30 USD/thùng. Chủ động đối phó với diễn biến giá dầu Chia sẻ tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, trong tháng 1 vừa qua, Tập đoàn đã giữ vững được nhịp độ kinh doanh. Tuy nhiên, do giá dầu tiếp tục giảm sâu nên ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn. Theo PVN, tổng sản lượng dầu quy đổi tháng 1 đạt 2,56 triệu tấn, bằng 109,7% kế hoạch tháng. Trong đó, sản lượng khai thác dầu 1,57 triệu tấn, bằng 107% kế hoạch tháng và sản lượng khai thác khí đạt 0,99 tỷ mét khối, bằng 113,4% kế hoạch tháng. Sản xuất điện đạt 1,73 tỷ kWh, bằng 89,2% kế hoạch tháng và sản xuất xăng dầu đạt 565,6 nghìn tấn, bằng 114% kế hoạch tháng. Nộp ngân sách đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch tháng.

Nhiều biện pháp ứng phó với giá dầu giảm sâu

Tập đoàn PVN sẽ triển khai nhiều biện pháp để có phương án và kịch bản đối phó với giá dầu giảm sâu dưới 30 USD/thùng (Ảnh minh họa)

Cũng theo lãnh đạo PVN, do giá dầu giảm chỉ bằng 54% giá kế hoạch nên doanh thu của nhiều đơn vị trong PVN cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, các đơn vị vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, tập trung hoàn thành kế hoạch đã đề ra cho năm 2016.

Theo khẳng định của lãnh đạo PVN: “Trong tháng này, tập đoàn sẽ triển khai nhiều biện pháp để có phương án và kịch bản đối phó với giá dầu giảm sâu dưới 30 USD/thùng".

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định, xu thế giá dầu năm 2016 còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong việc xây dựng kịch bản cho giá dầu năm nay, Tập đoàn PVN cần có sự chủ động cập nhật thường xuyên diễn biến giá dầu trên thế giới và thường xuyên báo cáo Chính phủ, cũng như Bộ Công Thương để từng bước tháo gỡ khó khăn và hoàn thành kế hoạch được giao.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân

Bên cạnh việc đưa ra những thống kê về diễn biến giá dầu thô, trong buổi họp giao ban của Bộ Công Thương ngày 1/2, những thông tin về tình hình hoạt động của ngành công nghiệp và thương mại cũng được nhiều người quan tâm.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất xe có động cơ tăng 15,9%, sản xuất kim loại tăng 14,1%; sản xuất đồ uống tăng 15%; dệt tăng 12,1%; sản xuất và phân phối điện nước tăng 13,2%...

Tại thời điểm 1/1/2016, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2015 (thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với cùng thời điểm năm 2015).

Liên quan đến thị trường giá cả, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 1, tốc độ lưu chuyển hàng hóa đã tăng 3,5% so với tháng 12/2015 và tăng 10,75% so với cùng kỳ, điều đó cho thấy sức mua đã tăng trở lại. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa trong dịp trước, trong và sau tết cũng được các địa phương chuẩn bị chu đáo đã góp phần kìm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

“Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do đặc thù Tết được nghỉ 9 ngày, nên sức mua tăng lên, nhưng cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Hầu hết các địa phương đã có phương án dự trữ, chuẩn bị hàng Tết”, ông Quyền cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là các đơn vị thuộc Bộ phải tích cực triển khai, điều tiết nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu kinh tế đã đề ra. Tập trung giải quyết những khó khăn nhằm thực hiện kiểm soát tốt công tác xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng hướng đến xuất khẩu bền vững.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, các đơn vị liên quan cần có những giải pháp đối phó với diễn biến cực đoan của thời tiết để điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục làm tốt phát triển thị trường nội địa, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng. Tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất kinh doanh.

Nguồn: