Petrolimex được chấp thuận "khóa" room ngoại ở mức 20%
03:21 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Tư, 2017

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (HOSE: PLX) về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Tập đoàn.

Theo đó, về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Petrolimex, UBCKNN đã có văn bản chấp thuận tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Tập đoàn là 20% theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1538/VPCP-ĐMDN ngày 10/03/2016 về việc phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược.

Được biết, ở thời điểm hiện tại Petrolimex có 2 cổ đông lớn là Bộ Công Thương sở hữu 75,87% và Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam sở hữu hơn 8% vốn. Được biết, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam là đơn vị thành viên của JX Nippon Oil & Energy (JX NOE) và JX NOE là phụ trách một trong 3 mảng cốt lõi của Tập đoàn JX Holdings – Tập đoàn năng lượng số một của Nhật Bản.

Ngoài JX NOE, các cổ đông nước ngoài khác hiện đang nắm giữ 2,266 triệu cổ phiếu PLX, tương đương 0,175% vốn điều lệ tập đoàn. Tổng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại PLX ở thời điểm trước khi lên sàn là 8,177%, cổ đông trong nước là 91,82%. Như vậy, sau khi lên sàn nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn được mua thêm 11,82% vốn của PLX. Trong khi đó, lượng free-float của PLX ngoài thị trường hiện tại chỉ còn 3,58%.

Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch tập đoàn Petrolimex ông Bùi Ngọc Bảo tiết lộ, Petrolimex sẽ chỉ có một cổ đông chiến lược duy nhất là JX Holdings và cái đích mà JX hướng tới có thể là 20 - 25%.

Ngày 14/04 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã chính thức chấp thuận cho Petrolimex niêm yết gần 1,3 tỷ cổ phiếu tại sàn HOSE với mã PLX. Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PLX là 21/4/2017 với giá khởi điểm 43.200 đồng/cổ phiếu.

Năm 2016, Petrolimex đã có một kết quả kinh doanh rất tích cực với doanh thu 123.127 tỷ đồng và 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao nhất kể từ khi thành lập Tập đoàn. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.254 đồng/cp.

Nói về cổ tức, Petrolimex cam kết trong dài hạn tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 12%. Mức cổ tức năm 2016 được Petrolimex trình lên Bộ Công Thương lên tới 32,24%. Dự kiến mức chi cổ tức là 3.736 tỷ đồng (tương đương 80% phần lợi nhuận sau thuế năm 2016). Nếu phương án này được thông qua, Nhà nước có thể sẽ thu về hơn 3.164 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex.

Ngày 25/4/2017, Petrolimex dự kiến sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Tại Đại hội, Tập đoàn sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3% thực hiện 2016; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.680 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch 2016.

Tập đoàn nhận định năm 2017 hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi như kinh tế trong nước duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, dự báo giá dầu thô ở mức bình quân 55 USD/thùng. Dù vậy, thị trường xăng dầu cạnh tranh ngày càng quyết liệt khi tiếp tục có sự gia tăng nhanh các đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu; một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ sử dụng mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế khác để giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu về khí phát thải ra môi trường. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại từ quý III/2017, tác động mạnh đến công tác tạo nguồn đặc biệt là khu vực miền Bắc, đồng thời có sự tham gia phân phối bán lẻ của Idemitsu Q8.