Petrolimex hướng tới niêm yết song hành trên sàn Singapore
02:51 SA @ Thứ Năm - 30 Tháng Ba, 2017

PLX chào sàn sẽ ngay lập tức lọt vào Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường với vốn hóa thị trường tạm tính khoảng trên 2 tỷ USD, xếp thứ 5 về tổng tài sản trong top 10 doanh nghiệp (không kể ngân hàng), dẫn đầu doanh số trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất.

Chiều ngày 29/3/2017, buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước thềm niêm yết cổ phiếu đã được Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX) cùng đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức nhằm mang đến thông tin toàn diện về một trong những cổ phiếu nhận được sự quan tâm hàng đầu của giới đầu tư thời gian hiện nay.

Cũng tại buổi roadshow, các nhà đầu tư đã gửi tới hàng loạt câu hỏi tới người đứng đầu Petrolimex, Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Bảo làm rõ hơn hoạt động kinh doanh cũng như kế hoạch tương lai của công ty.

"Ngôi sao" tiềm năng lọt rổ VN-30

Cổ phiếu PLX Petrolimex sẽ chính thức niêm yết trong khoảng từ ngày 18-21/4/2017. Bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc khu vực phía Bắc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư của SSI, cho biết PLX chào sàn sẽ ngay lập tức lọt vào top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường với vốn hóa thị trường với vốn hóa tạm tính khoảng trên 2 tỷ USD, xếp thứ 5 về tổng tài sản (không kể ngân hàng) và dẫn đầu doanh số trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất, bỏ xa BIDV đứng ở vị trí thứ hai. Với hiệu quả kinh doanh đạt được năm 2016, EPS sẽ đứng thứ 2 trong top 10, chỉ sau Vinamilk.

Theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Bảo, PLX nhắm tới việc vào nhóm VN-30. Khi điều này trở thành hiện thực, Petrolimex cũng sẽ sớm đứng đầu trong nhóm này về nhiều chỉ tiêu.

Petrolimex hiện là đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 48-50% cả nước. Dẫn đầu trong mảng năng lượng, hệ thống kho cảng của Petrolimex có sức chứa 2,2 triệu m3, đường ống vận chuyển xăng dầu 570 km và là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn 150.000 DWT.

Đại diện đơn vị tư vấn SSI cho biết kênh phân phối hiện nay của Petrolimex gồm phân phối trực tiếp tới công ty than, nhiệt điện lớn, Tổng công ty Đường Sắt...; bán buôn cho các đại lý và bán lẻ qua các trạm xăng và bán lẻ 5.200 trạm xăng tại 63/63 tỉnh chiếm 37% toàn quốc.

Xăng dầu mang về 50% lợi nhuận của toàn Tập đoàn nhưng bên cạnh đó Petrolimex còn nhiều mảng hoạt động khác mà theo Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Bảo đây là các ngành phát triển theo trục chính xăng dầu.

Mảng kinh doanh hóa dầu, nhựa đường và hóa chất đóng góp 11% lợi nhuận trước thuế năm 2016 với ba đơn vị thành viên gồm Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), Công ty liên doanh hóa chất PTN và BP Castrol Petco. Thông qua các đơn vị này, Petrolimex cũng đang dẫn đầu về thị phần nhựa đường (qua PLC) và mỡ nhờn (qua PLC và công ty liên kết BP Castrol) Petro). Lĩnh vực kinh doanh Gas được Petrolimex thực hiện qua công ty con Gas Petrolimex (PGC).

Còn lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy được thực hiện thông qua một Tổng công ty PG Tanker (thành lập năm 2013) nắm giữ cổ phần tại Vitaco (VTO), VIPCo (VIP), PJT, PTS, Cảng Cửa Cấm. Khi được các cổ đông hỏi về lĩnh vực vận tải thủy này, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo thừa nhận đây là ngành có chu trình khủng hoảng kéo dài nhất thời gian qua. Tuy nhiên, PGTanker doanh nghiệp trong vận tải hàng hải hiếm hoi vẫn có lãi thuần hoạt động kinh doanh chính.

Ông Bảo cũng lạc quan cho rằng theo quy luật kinh tế không có khủng hoảng nào kéo dài mãi được. Đối với mảng này, Petrolimex sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới đội tàu theo được chuẩn mực của hàng hải quốc tế để có khả năng chạy trong các thị trường khó tính khác. Công ty tin tưởng sự phát triển của lĩnh vực này và khi bước vào chu kỳ mới đơn vị nào trường vốn và có kết cấu tốt thì sẽ mang về lợi nhuận dài hạn trong tương lai.

Ngoài ra, ông lớn ngành xăng dầu này cũng đang đầu tư vào một số lĩnh vực được xem là ngoài ngành như ngân hàng (PGBank) và bảo hiểm (PGI). Tuy nhiên, tại buổi roadshow, ông Bảo cũng chỉ ra rằng lĩnh vực tài chính có tính liên quan mật thiết cao đối với Công ty bởi xăng đầu là hàng hóa có thanh khoản rất cao và có giá trị với thị trường quốc tế không khác gì vàng hay ngoại tệ.

Tại PGBank, hiện tỷ lệ sở hữu của Petrolimex là 40% nhưng theo Luật các tổ chức tín dụng, tỷ lệ này đối với một cổ đông tổ chức chỉ là 20%. Chính phủ đồng ý Petrolimex giảm tỷ lệ (không phải thoái vốn) có thể thông qua M&A, phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược,... PJICO hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm dù là doanh nghiệp thuộc top dẫn đầu nhưng cũng chỉ tập trung vào bán lẻ. Hai bên có sự tương hỗ lẫn nhau như PJICO thông qua các cửa hàng của Petrolimex để kinh doanh bảo hiểm.

Trọng tâm phát triển năng lượng sạch, thận trọng đầu tư Nam Vân Phong

Mục tiêu của Petrolimex trong thời gian tới được định hình rõ bao gồm tập trung vào hoạt động cốt lõi là kinh doanh xăng dầu; đầu tư và phát triển các hoạt động kinh doanh hỗ trợ hoạt động cốt lõi; vào top 5 doanh nghiệp tại Việt Nam về quy mô và hiệu quả; nghiên cứu và đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Chủ tịch Petrolimex khẳng định Tập đoàn đặt môi trường là vấn đề quan tâm hàng đầu từ chu trình khép kín khi tiếp nhận và nạp nguyên liệu, hệ thống thu hồi hơi xăng, kho xăng tiêu chuẩn đồng thời là Tập đoàn tiên phòng sản xuất nhiên liệu sạch như Euro 5. Khí hỏa lỏng LNG là nguyên liệu sạch đang được Petrolimex nghiên cứu làm việc với một số nhà máy điện để chuyển từ than sang nguyên liệu này.

Trong hoạt động đầu tư của Petrolimex, dự án Nam Vân Phong là dự án rất lớn với công suất 12 triệu tấn/năm và tiêu chuẩn sản phẩm cao. Petrolimex cùng đối tác JX và các đơn vị tư vấn nước ngoài đang rà soát lại dự án này để khẳng định tính hiệu quả. Chủ tịch Petrolimex cho biết phần góp vốn đầu tư của Tập đoàn sẽ không quá 30%.

JX định hướng sở hữu 20-25% vốn Petrolimex

Về cơ cấu cổ đông, Petrolimex cho biết sẽ chỉ có một cổ đông chiến lược duy nhất là JX Holdings mà như cách nói vui của vị Chủ tịch Tập đoàn này là chỉ giữ "một vợ một chồng". Hai bên đã đồng tình về việc JX gia tăng tỷ lệ nắm giữ. Thông thường, cổ đông chiến lược thường mong muốn nắm giữ tỷ lệ đủ để có thể tham gia sau hơn vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông Bảo, cái đích mà JX hướng tới có thể là 20 - 25%.

Trong khi đó, theo Nghị định 58 về thoái vốn các DNNN, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Petrolimex sẽ giảm xuống mức từ 51-65%. Năm 2017, nhiệm vụ đặt ra với Petrolimex là xây dựng xong phương án giảm vốn xuống 65%.

Ngoài ra, đối với số cổ phiếu quỹ chiếm tỷ lệ 12% vốn điều lệ, việc bán cổ phiếu quỹ được tính đến khi Tập đoàn cần vốn đề đầu tư. Thời gian và số lượng cổ phiếu bán sẽ theo quyết định của ĐHĐCĐ. Ông Bảo cũng cho biết mục đích mua cổ phiếu quỹ là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tận dụng lượng tiền sẵn có. Petrolimex đã có kiến nghị tới chủ sở hữu để bán một phần nhằm tăng thanh khoản của cổ phiếu, đồng thời đưa tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhỏ lẻ tiến dần đến mức 20%. Ông Bùi Ngọc Bảo nhận định nếu Bộ Công Thương giảm vốn xuống 51% đồng thời nâng tỷ trọng cổ phần do cổ đông nhỏ lẽ nắm giữ sẽ giúp Công ty minh bạch hơn và cũng là mong muốn của các nhà đầu tư.

Cũng phải nói thêm rằng, Petrolimex có kế hoạch niêm yết song hành cổ phiếu PLX trên thị trường nước ngoài. Chia sẻ tại buổi roadshow, thị trường chứng khoán Singapore theo ông Bảo là lựa chọn trong tầm ngắm bởi đây là trung tâm tài chính và có nhiều doanh nghiệp năng lượng đã niêm yết.