Quy định danh mục bình ổn giá: Đề xuất chuyển từ Quốc hội về Chính phủ
Theo VNN
02:18 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Bảy, 2021

Bộ Tài chính đề xuất giao thẩm quyền quy định danh mục mặt hàng bình ổn giá cho Chính phủ quyết định, thay vì Ủy ban thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.

Quy định danh mục bình ổn giá:Đề xuất chuyển từ Quốc hội về Chính phủ
Bộ Tài chính muốn danh mục mặt hàng bình ổn giá linh hoạt hơn. Ảnh: Lương Bằng

Ngày 15/7, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo các chính sách đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi).

Đánh giá thực tiễn công tác triển khai biện pháp bình ổn giá còn nhiều bất cập, Bộ Tài chính cho rằng phạm vi thực hiện biện pháp chưa thật sự rõ ràng khiến cho cơ quan quản lý khó khăn trong việc quyết định triển khai.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh danh mục mặt hàng còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần triển khai ngay đối với một biện pháp điều tiết có tính thời điểm. Bởi, theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật giá: “Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.”

“Việc giải trình để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định sẽ mất một khoảng thời gian khá dài theo quy định”, Bộ Tài chính lập luận. “Trong khi đó, việc thực hiện bình ổn giá phải mang tính chất tức thời, trong thời điểm hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lợi ích của các tổ chức cá nhân, mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát... ”

Trong thực tế thì khi có phát sinh mặt hàng có biến động lớn, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và kinh tế xã hội cần phải có biện pháp bình ổn giá nhưng không thực hiện được vì không nằm trong danh mục (ví dụ như mặt hàng thịt lợn thời gian qua).

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc đặt thẩm quyền quyết định danh mục cụ thể cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Luật cũng như việc quy định điều kiện để đưa mặt hàng nào đó vào thực hiện bình ổn giá vẫn còn thiếu sự linh hoạt, kịp thời. Điều này cũng tương tự với chính sách về định giá khi Chính phủ thiếu cơ chế pháp lý để thực hiện ngay công tác điều hành trong các trường hợp cần thiết. Do vậy, có thể nói qua hơn 8 năm thực hiện, chính sách này vẫn chưa phát huy hết được tính hiệu lực, hiệu quả.

Trong 3 biện pháp sửa đổi được nêu ra, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án không quy định danh mục cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá vào trong Luật; củng cố các quy định về trường hợp áp dụng biện pháp để tránh sự lạm dụng không cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo tính cấp thiết trong triển khai.

Bộ đề nghị giao thẩm quyền quy định danh mục bình ổn giá cụ thể cho Chính phủ quyết định, thay vì Ủy ban thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành. Chính phủ sẽ quyết định hàng hóa, dịch vụ được đưa vào thực hiện bình ổn giá và quyết định biện pháp thực hiện bình ổn trong một thời gian nhất định căn cứ vào tình hình thực tế. Trường hợp cụ thể, căn cứ theo nguyên tắc được quy định tại Luật để đánh giá đề xuất đưa hàng hóa, dịch vụ vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện bình ổn giá trên phạm vi địa bàn của mình trong trường hợp khẩn cấp, tương tự với quy định về bình ổn giá tại trung ương.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 15 của Luật Giá, bao gồm:
a) Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu điêzen, dầu mazut;
b) Điện bán lẻ;
c) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG);
d) Phân đạm urê; phân NPK;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ;
e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
g) Muối ăn;
h) Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi;
i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
k) Thóc, gạo tẻ thường;
l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn: