Quy định mới về thủ tục hải quan đối với xăng dầu XK, NK, quá cảnh
02:45 SA @ Thứ Sáu - 27 Tháng Năm, 2016

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 69/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí XK, NK, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế hoặc gia công XK xăng dầu, khí; dầu thô XK, NK; hàng hóa XK, NK phục vụ hoạt động dầu khí, có hiệu lực từ ngày 20-7. Thông tư có nhiều điểm mới liên quan đến quản lý hải quan đối với hoạt động XNK xăng dầu.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 giám sát xăng dầu nhập khẩu. Ảnh: T.Hòa

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Nhất Kha, điểm mới quan trọng trong quản lý, giám sát hải quan đối với hoạt động XNK xăng dầu tại Thông tư 69/2016/TT-BTC là thương nhân XNK xăng dầu có trách nhiệm xây dựng phần mềm theo dõi, quản lýlượng xăng dầu vào kho, từ kho đưa vào kho nội địa, buộc tái xuất, XK và kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan.

Trên cơ sở hệ thống dữ liệu này cơ quan Hải quan sẽ kiểm soát lượng xăng dầu XNK và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định chặt chẽ, cụ thể các thủ tục mà hải quan địa phương và DN phải lưu ý như: Kiểm tra, giám sát bơm xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể và ngược lại ; quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với xăng dầu, hóa chất, khí NK, tạm nhập; nguyên liệu NK; thủ tục kiểm tra thực tế xăng dầu, hóa chất, khí XK, NK, tạm nhập, tái xuất; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế hoặc gia công XK xăng dầu, khí; việc lấy mẫu xăng dầu, hóa chất, khí; điều kiện được thông quan lô hàng xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu NK, tạm nhập; cơ sở để xác định xăng dầu, hóa chất, khí đã XK…

Cụ thể, về việc bơm xăng, dầu vào bồn, bể chứa, Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định thương nhân chỉ được bơm xăng dầu, hóa chất, khí NK, tạm nhập; nguyên liệu NK nếu đáp ứng các quy định: Có tờ khai hải quan được đăng ký theo quy định; có giấy đăng ký giám định khối lượng có xác nhận của thương nhân giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; có biên bản lấy mẫu hoặc chứng từ lấy mẫu có xác nhận của thương nhân với cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng (đối với trường hợp thuộc Danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra nhà nước về chất lượng).

Cơ quan Hải quan căn cứ nội dung khai báo của thương nhân (có đầy đủ thông tin ký hiệu bồn, bể; ngày, giờ dự kiến bơm) quyết định biện pháp, hình thức giám sát phù hợp. Trong trường hợp hàng hóa được bơm vào bồn, bể đang chứa xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu hoặc các kho chứa được thiết kế nhiều đường ống dẫn liên hoàn thì phải đảm bảo cùng chủng loại với hàng hóa đã có sẵn trong bồn, bể chứa.

Thương nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bơm xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu theo khai báo; giữ nguyên trạng hàng hóa chứa trong bồn, bể cho đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra nhà nước về chất lượng và lô hàng được thông quan theo quy định.

Các bồn, bể sau khi được bơm xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Căn cứ vào loại hàng hóa, loại hình NK và tình hình thực tế, chi cục trưởng chi cục hải quan quyết định việc niêm phong bồn, bể, chứa.

Thông tư 69/2016/TT-BTC cũng quy định rõ cách xác định lượng xăng dầu, hóa chất, khí XK, NK, tạm nhập tái xuất; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế hoặc gia công XK xăng dầu, khí; dầu thô XK, NK. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu phải phù hợp với tỉ lệ hao hụt theo quy định tại Thông tư 43/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Lượng xăng dầu, hóa chất, khí XK, tạm nhập tái xuất; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế hoặc gia công XK xăng dầu, khí vận chuyển bằng phương tiện vận tải đường thủy qua cửa khẩu cảng thủy nội địa, cửa khẩu cảng biển căn cứ theo thông báo kết quả giám định về lượng của thương nhận giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Tuy nhiên, trong trường hợp giữa kết quả giám định và lượng thể hiện trên hóa đơn, vận đơn, hợp đồng có chênh lệnh thì sẽ có các dấu hiệu để xác định đâu là trường hợp nằm trong giới hạn cho phép, đâu là trường hợp nghi vấn, cần kiểm tra thực tế. Nếu lượng chênh lệch nằm trong dung sai của Hợp đồng nhưng không vượt quá tỷ lệ hao hụt theo quy định của Bộ Công Thương (chênh lệch do tính chất hàng hóa) thì lượng xăng dầu, hóa chất, khí, nguyên liệu để tính thuế là lượng trên thông báo kết quả giám định của thương nhân giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Nếu lượng chênh lệch không thuộc trường hợp trên thì chi cục hải quan nơi làm thủ tục sẽ đối chiếu các thông tin (lượng, trị giá) trên tờ khai với hóa đơn bán hàng (hoặc phiếu xuất kho), đơn đặt hàng, thông báo kết quả giám định về lượng, ý kiến giải trình của thương nhân để xem xét cụ thể.

Đối với lượng xăng dầu, hóa chất, khí XK, tái xuất vận chuyển bằng xe téc, xe bồn qua cửa khẩu đường bộ căn cứ theo đồng hồ đo hoặc cân xe tại khi khi bơm xăng dầu, hóa chất, khí vào téc, bồn xe. Nếu không có đồng hồ đo thì căn cứ thông báo kết quả giám định về lượng của thương nhân giám định hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định hoặc phiếu kết quả thử nghiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu, khí, hóa chất; hoặc xác định bằng barem phương tiện vận chuyển…

Những quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí, NK, XK, tạm nhập tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa; thủ tục hải quan đối với dầu thô XK, NK như địa điểm làm thủ tục hải quan; hồ sơ hải quan; trách nhiệm của chi cục hải quan; trách nhiệm của thương nhân… đều được quy định rõ trong Thông tư 69/2016/TT-BTC.

Thông tư 69/2016/TT-BTC sau khi có hiệu lực sẽ thay thế hai Thông tư gồm: Thông tư 139/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu XK, NK, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu NK để gia công XK xăng dầu và thông tư 70/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng XK, NK, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế khí và khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu NK để gia công XK khí và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Một số điều khoản được chuyển tiếp như: Các trường hợp tạm nhập xăng dầu, khí, nguyên liệu Nk để sản xuất XK và gia công XK xăng dầu, khí vào thời điểm Thông tư 139/2013/TT-BTC và Thông tư 70/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành nhưng thanh khoản vào thời điểm Thông tư 69/2016/TT-BTC có hiệu lực thì được lựa chọn thanh khoản theo hướng dẫn theo hai thông tư cũ hoặc quyết toán theo Thông tư mới. Chính sách thuế đối với xăng dầu XK, NK; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu NK để gia công XK xăng dầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2016/TT-BTC; Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 69/2016/TT-BTC theo từng loại hình tương ứng…

Nguồn: