Sớm ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm dầu khí, xăng dầu và khí
02:13 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Hai, 2020

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 đã được Bộ Công Thương xin ý kiến của thành viên Chính phủ, nhận được thêm một số ý kiến bổ sung. Sau khi chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến, Dự thảo Nghị định này sẽ trình lên Thủ tướng ngày 29/2.

Chiều ngày 20/2, tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế Nghị định số 67. Cuộc họp có sự tham gia của Tổng cục Quản lý thị trường, cục, vụ và các bộ ngành liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng…

som ban hanh nghi dinh moi ve xu phat vi pham dau khi xang dau va khi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì cuộc họp

Hiện nay về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định có hiệu lực từ năm 2017. Tuy nhiên đứng trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Tổng cục QLTT đã trình Bộ Công Thương, Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhận được 4/27 phiếu ghi ý kiến bổ sung của các thành viên Chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về cơ bản, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và chỉnh lý tại Dự thảo Nghị định, một số ý kiến Bộ Công Thương giải trình xin được bảo lưu.

Đến ngày 14/1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về Dự thảo Nghị định có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Ngày 31/1/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 680/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp và làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp, Bộ, cơ quan liên quan để thống nhất 2 nội dung tại Dự thảo Nghị định.

Đó là quy định phân định thẩm quyền xử phạt của từng lực lượng đối với từng hành vi vi phạm tại Điều 63. Về nội dung này, ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường), thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định – cho biết, theo quan điểm của Bộ Công Thương, căn cứ vào quy định này cùng với quy định về thẩm quyền xử phạt của từng chức danh trong từng lực lượng tại các điều từ Điều 56 đến Điều 62 Dự thảo Nghị định, có thể dễ dàng xác định được thẩm quyền xử phạt của chức danh tương ứng trong từng vụ việc cụ thể. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng lực lượng trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm tính khoa học, thống nhất, đồng bộ trong các quy định của Dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp có ý kiến, đề nghị quy định ở mức độ chi tiết hơn nữa việc phân định thẩm quyền tại Điều 63 theo hướng quy định cụ thể thẩm quyền của từng chức danh trong từng lực lượng đối với từng hành vi vi phạm tại các điều, khoản, điểm cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng phương án chỉnh lý Điều 63 Dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền xử phạt của từng chức danh trong từng lực lượng. Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đều nhất trí với quy định phân định thẩm quyền xử phạt của từng chức danh trong từng lực lượng. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn cho rằng, cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt và rà soát lại các điều khoản; Chỉnh lại cho đầy đủ và chính xác.

som ban hanh nghi dinh moi ve xu phat vi pham dau khi xang dau va khi

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định rà soát và tiếp thu những góp ý của các bộ, ngành liên quan

Ngoài ý kiến bổ sung quy định phân định thẩm quyền xử phạt, quy định giải thích từ ngữ “Giấy phép kinh doanh xăng dầu” và “Giấy phép kinh doanh khí” tại Điều 3 Dự thảo Nghị định cũng được các đại biểu “mổ xẻ”. Theo Dự thảo Nghị định trình Chính phủ, hiện nay bên cạnh quy định liệt kê các loại giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận/ chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước có liên quan, còn quy định thêm “các loại giấy phép, giấy chứng nhận hoặc xác nhận đủ điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức để thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí”.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp có ý kiến, đề nghị làm rõ các loại giấy phép, giấy chứng nhận hoặc xác nhận đủ điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức để thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí, là những giấy tờ cụ thể gì để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch trong quy định pháp luật.

“Nếu làm được điều này, Chính phủ cũng yên tâm sẽ giảm thiểu tối đa những nhầm lẫn, đặc biệt là giai đoạn chuyển tiếp một số văn bản mới và những văn bản vẫn còn hiệu lực. Nếu liệt kê chi tiết đầy đủ được thì nên thực hiện” – đại diện Bộ Tư pháp cho hay.

Tiếp thu ý kiến, đại diện Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương cho biết: sẽ chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản đã hết hiệu lực đối với một số loại hình thương nhân vẫn đang được phép hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đối với chỉnh lý mô tả một số hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và chỉnh lý mô tả hành vi tại 1 điểm, 2 khoản và bổ sung thêm 1 khoản để phù hợp với Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương hết sức cầu thị, tiếp nhận các ý kiến đóng góp và sẽ giao lại Tổ soạn thảo chỉnh sửa lại. Sau đó sẽ gửi lại bản đã sửa, phấn đấu ngày 29/2 trình Dự thảo Nghị định lên Thủ tướng” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Nghị định mới này không những được Chính phủ, các bộ, ngành mà cả doanh nghiệp, người dân đặc biệt quan tâm. Bởi đây sẽ là chế tài đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, dầu khí và khí trong thời gian sắp tới.

Nguồn: