Tận dụng vỏ trấu làm than sinh học xử lý nước nhiễm xăng dầu
01:32 SA @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười Hai, 2020

TS. Lê Thị Nhi Công - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cộng sự đã nghiên cứu ra chế phẩm than sinh học tận dụng từ vỏ trấu.

Tận dụng chế phẩm nông nghiệp

Ô nhiễm môi trường do dầu mỏ và các thành phần của dầu mỏ luôn là vấn đề cấp thiết đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước, đây được xem là thị trường quan trọng và tiềm năng.

Trong khi các phương pháp xử lý nước ô nhiễm dầu bằng phương pháp hóa học, vật lý như hoạt hóa bề mặt, chất hấp thụ, quây, vớt cơ học được cho là không triệt để và tạo ra ô nhiễm thứ cấp thì phương pháp vi sinh được nhiều nhà khoa học ưu tiên. Hiện nay chưa có nhiều sản phẩm từ vi sinh vật để xử lý ô nhiễm dầu tại các kho xăng dầu tại Việt Nam.

Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Nhi Công tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thử nghiệm sử dụng than sinh học (biochar) với các vi sinh vật tạo màng sinh học để tạo chế phẩm có khả năng phân hủy dầu. Chế phẩm có tên thương mại là MicroDegrader.

Theo TS Nhi, chế phẩm tạo thành từ các vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học (biochar) có nguồn gốc từ vỏ trấu. Chế phẩm có độ ổn định cao, an toàn với môi trường, có năng lực phân hủy trên 95% các thành phần hydrocarbon có trong nước thải nhiễm dầu sau 7-14 ngày sử dụng. Chế phẩm là sự kết hợp của phương pháp sinh học với các yếu tố hóa lý để xử lý nước bị ô nhiễm do ngập lụt ở khu vực các nhà máy, khu công nghiệp và kho xăng dầu ...

Bên cạnh đó, việc sử dụng than sinh học (biochar) có nguồn gốc từ phế phụ phẩm nông nghiệp (từ trấu) làm chất mang cho các vi sinh vật tạo màng sinh học bám vào, vừa nâng cao hiệu suất xử lý, vừa giảm giá thành sản xuất. Bởi đây là vật liệu rẻ tiền và sẵn có ở Việt Nam.

Rơm rạ sản xuất ra biochar được nhóm nghiên cứu thu mua của bà con với giá 8.000 đồng/kg, nhờ đó góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường sau mỗi mùa gặt.

Tận dụng vỏ trấu làm than sinh học xử lý nước nhiễm xăng dầu

Nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Công Nhi về làm than sinh học xử lý nước nhiễm xăng dầu từ chế phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, để tạo than sinh học, người ta dùng phương pháp đốt kị khí hoặc ít oxy, nhờ đó giúp giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do quá trình đốt hiếu khí gây ra.

Thương mại hóa ra thị trường

Từ nghiên cứu của TS Công Nhi và cộng sự, năm 2018, nhóm tiếp tục nhận được đề xuất xử lý ô nhiễm cho cây xăng lớn thứ 2 miền Bắc này bằng chế phẩm MicroDegrader. Kết quả cho thấy, không những chi phí giảm được 50% mà thời gian xử lý cũng rút xuống còn một nửa, chỉ mất 7-14 ngày so với 30 ngày khi sử dụng các sản phẩm thông thường. Các vi sinh vật tạo màng sinh học có khả năng phân hủy các thành phần dầu mỡ có độ ổn định cao, an toàn với môi trường, có năng lực phân hủy trên 95% các thành phần hydrocarbon có trong nước thải nhiễm dầu.

Sản phẩm của nhóm cũng đã được Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị đại diện cho các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) và Cơ quan Hỗ trợ của Vương quốc Anh (UKaid) - tài trợ nhằm bước đầu thực hiện thương mại hóa ra thị trường.

Hiện tại, TS Nhi cho biết chế phẩm này hiện nay bà và các cộng sự đang hoàn thiện và có những cải tiến bước đầu để an toàn cho người sử dụng và môi trường sinh thái. Về công nghệ tạo chế phẩm đã bước đầu làm chủ và có bằng độc quyền Giải pháp hữu ích về sản phẩm tương tự với sản phẩm này. Trong quá trình phát triển sản phẩm trong GPHI đó, phát hiện những nhược điểm và đã có những cải tiến để khắc phục.

Chế phẩm hiện đã được Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ cho phép thực hiện bước Hoàn thiện công nghệ và từng bước sẽ thực hiện triển khai thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng có các cơ hội của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với Viện Hoàng gia Anh cũng như Đại sứ quán để tham gia các khóa học về thương mại hóa sản phẩm. Các khóa học này giúp họ trang bị những kiến thức để có thể thực hiện thương mại hóa thành công các sản phẩm khoa học.

Trong quá trình nghiên cứu, TS Nhi cho biết nhóm nghiên cứu của bà tương đối gặp thuận lợi bởi vì được sự hỗ trợ của Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một vài khó khăn mà các chị em trong nhóm nghiên cứu gặp phải nhưng đều trải qua.

TS Nhi mong muốn cần có thêm các khóa học về các chính sách và các thông tư cho các nhà khoa học để tiếp cận và làm thương mại hóa sản phẩm.

Nguồn: