Tăng cường quản lý thuế kinh doanh xăng, dầu
03:02 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười Hai, 2016

Công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu đã được các ngành chức năng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý bên cạnh sự phối hợp hưởng ứng, chấp hành tốt của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu đã góp phần cho lĩnh vực phân phối, kinh doanh mặt hàng này ngày càng đi vào nề nếp, ổn định.

Để tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế và giá, đảm bảo huy động đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, ngày 1-7-2016, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 352/KH-UBND về chống thất thu thuế mặt hàng xăng, dầu. Ngay sau đó, ngày 4-7-2016, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị và giao nhiệm vụ với sự tham dự đầy đủ các sở, ban, ngành liên quan cùng lãnh đạo đại diện UBND 11 huyện, thị xã, thành phố và đại diện các tổng đại lý, nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, công ty thành viên, đại lý bán lẻ… hoạt động lĩnh vực xăng, dầu trong và ngoài tỉnh.

Quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trong giai đoạn phát triển kinh tế đa dạng như hiện nay là lĩnh vực tương đối phức tạp, ngày 13-9-2016, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12733/BTC-TCT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu, tiếp theo Tổng cục Thuế có Công văn số 4156/TCT-DNL ngày 13-9-2016 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ.

Để triển khai thực hiện các giải pháp quản lý cụ thể, ngày 6-12-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 656/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế mặt hàng xăng, dầu. Theo kế hoạch, công tác được tập trung giám sát về sản lượng kinh doanh, giá mua bán, doanh thu, xác định thuế, đặc biệt là thực hiện giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu đang sử dụng của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh để xác định lượng xăng, dầu thực tế nhập xuất, phân phối, kinh doanh.

Ngoài ra, chức năng quản lý đối với các ngành liên quan còn được giao nhiệm vụ kiểm tra các hợp đồng đại lý phân phối giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là đầu mối cung cấp xăng, dầu và các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu. Kiểm soát tốt nguồn gốc xăng, dầu lưu thông trên thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi mua bán xăng, dầu ngoài hệ thống phân phối, vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường quản lý và minh bạch hoạt động kinh doanh xăng, dầu được triển khai theo kế hoạch của UBND tỉnh đã được các ngành, các cấp thảo luận, quán triệt, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các tổng đại lý, nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, công ty thành viên, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu…

Theo kế hoạch, Cục Thuế là đơn vị chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch triển khai thực hiện; Sở Công thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm công chức các ngành thuộc Sở Công thương, Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu: Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp là đầu mối và người nộp thuế nhận quyền bán lẻ xăng, dầu không được ký hợp đồng đại lý với các đại lý bán lẻ xăng, dầu khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu. Cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra…

Việc thực hiện kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, chống tiêu cực trong việc mua bán xăng, dầu, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức; kiểm tra, kiểm soát được tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; Nhà nước quản lý được người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xăng, dầu và dần đi vào nền nếp. Công tác quy hoạch hệ thống kho, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

Nguồn: