Thách thức ứng phó sự cố tràn dầu
01:52 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười Hai, 2019

Kinh phí hạn chế, hành lang pháp lý chồng chéo, chưa tham gia các công ước quốc tế, nhận thức chưa đầy đủ của địa phương, doanh nghiệp là những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu tác động của sự cố tràn dầu.

Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm “Tuyên truyền, phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam” do báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 17/12.

Ông Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, từ năm 2005 đến nay, theo thống kê, Việt Nam xảy ra trên 150 sự cố tràn dầu trên biển nhưng con số thực tế còn lớn hơn bởi các tai nạn trên biển đều có sự cố tràn dầu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội, tốn nhiều thời gian và kinh phí để phục hồi môi trường.

Ông Lê Đại Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho biết, có nhiều sự cố không rõ nguyên nhân từng xuất hiện tại Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Nam, gây rất nhiều khó khăn cho công tác ứng phó, xử lý sự cố.

Theo ông Lê Đại Thắng, hành lang pháp lý hiện nay vẫn còn có sự chồng chéo, Việt Nam chưa tham gia một số công ước quốc tế về sự cố tràn dầu. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất hạn chế nên dù các khóa tập huấn luôn “thành công tốt đẹp” nhưng thực tế khi xảy ra sự cố thì rất lúng túng.

“Hà Tĩnh rất chủ động trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu, mới đây nhất là sự cố tàu Sophia của Thái Lan gặp sự cố tại vùng biển Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do chưa thành lập ban chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu nên kinh phí cho hoạt động chưa được bố trí, trang thiết bị ứng phó cũng chưa được phê duyệt”, ông Phạm Hữu Tình, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh cho hay.

Tại tọa đàm, các khách mời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cũng như năng lực phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu tác hại do sự cố tràn dầu gây ra như hoàn thiện thành lang pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao trình độ nhân lực, đầu tư trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu tốt hơn, đặc biệt tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp và người dân trong phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu tác hại của sự cố tràn dầu.

Nguồn: