Vụ cháy cây xăng Hà Nội: 'Không thể dùng trực thăng'
01:59 SA @ Thứ Ba - 04 Tháng Sáu, 2013

Theo TS. Nguyễn Minh Khương, vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) không thể dùng trực thăng chữa cháy.

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy xe bồn tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội - thuộc Công ty xăng dầu quân đội chiều 3/6, khi lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải mất gần 6 giờ đồng hồ mới cơ bản không chế được ngọn lửa.

Nhiều người đã đặt ra vấn đề sử dụng trực thăng trong trường hợp này, và tại sao một xe bồn cháy mà lực lượng PCCC lại khó không chế tới vậy, chúng tôi đã có trao đổi với TS. Nguyễn Minh Khương, Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy để phân tích các khía cạnh của vụ việc.

Khoảng 13h30 ngày 3/6, sau tiếng nổ lớn, ngọn lửa bùng cháy dữ dội tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khoảng 13h30 ngày 3/6, sau tiếng nổ lớn, ngọn lửa bùng cháy dữ dội tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TTO.


Theo TS. Nguyễn Minh Khương, trong trường hợp cháy xe bồn kể trên không thể dùng trực thăng để chữa cháy, nếu dùng trực thăng thả bọt từ trên cao xuống có thể gây nổ téc xăng đó, làm xăng dầu tràn ra ngoài, lúc đó đám cháy sẽ lớn hơn rất nhiều lần.

“Cháy xăng dầu chỉ chữa cháy bằng bọt và làm mát để khống chế không cho nó nổ - đây là điều quan trọng đầu tiên, sau đó mới tính tới chuyện dập tắt đám cháy như thế nào. Cháy bồn chứa xăng dầu nguy cơ nổ rất cao, nên các chiến sĩ chữa cháy không thể tiếp cận quá gần, có thể nổ bất kể lúc nào, rất nguy hiểm”, TS. Khương phân tích.

PV –Theo ông, phương án nào tối ưu chống nổ bồn xăng?

TS. Nguyễn Minh Khương: Nếu trường hợp xảy ra nổ bồn, xăng sẽ bắn ra xung quanh kèm theo lửa, nên lực lượng chữa cháy đã bố trí phương tiện, lực lượng ở xung quanh đề phòng tình huống xấu nhất có thể nổ và cháy lan ra xung quanh

Cháy xăng dầu không thể dùng phương tiện chữa cháy bình thường, vì yêu cầu chủ yếu là làm mát bồn chứa để chống nổ, và chống cháy lan ra khu vực xung quanh.

Nếu chúng ta có xe chữa cháy bằng bọt chuyên dụng, áp lực cao thì việc dập tắt lửa đã không vất vả và lâu tới vậy, nếu phun bọt áp lực cao vừa cắt được ngọn lửa vừa không cho trào xăng dầu ra ngoài gây cháy lan.

Sau khi cắt chân ngọn lửa được thì lập tức phải thả bọt vào bồn xăng ngay, có thể bơm bọt trực tiếp vào bồn thì việc khống chế đám cháy sẽ nhanh hơn và nguy cơ bùng phát lại sẽ không còn.

Trong vụ cháy này ta cũng sử dụng bọt nhưng bằng xe chữa cháy thông thường, nên áp lực bọt không lớn, nên việc cắt ngọn lửa rất khó.

PV -Khoảng 4 tiếng khi ngọn lửa được khống chế, có tin cho hay, các chiến sĩ tiếp cận xe để xả xăng ra, dẫn tới lửa bùng phát trở lại, làm một số chiến sĩ bị bỏng, theo ông lý do vì sao lửa bùng trở lại?

TS. Nguyễn Minh Khương: Dù lửa đã được dập tắt, nhưng nhiệt độ thành bồn chứa đang rất cao, có thể làm bốc cháy lại, nên không cẩn thận là cháy lại ngay.

PV -Liệu có phải là do chủ quan nhất định nào đó mà lực lượng chữa cháy đã không lưu ý tới yếu tố đó?

TS. Nguyễn Minh Khương: Cái này tôi không dám khẳng định, có thể do yếu tố bất ngờ. Theo tôi, trong trường hợp đó khi đã khống chế được ngọn lửa thì sẽ phun bọt vào bồn chứa như vậy nguy cơ cháy trở lại sẽ hạn chế hơn. Bên cạnh đó phải tiếp tục làm mát xăng dầu phía trong bồn, vì có thể lúc đó xăng dầu phía trong vẫn đang sôi.

PV - Có một quy chuẩn nào đó về thời gian để bồn xăng đủ mát và có thể vào hút xăng khỏi bồn?

TS. Nguyễn Minh Khương: Thông thường, với cháy bể chứa xăng dầu thì phải để ít nhất 3 tiếng đồng hồ sau khi dập tắt được ngọn lửa để bể nguội mới được hút xăng ra. Còn vụ cháy này chủ yếu ở bồn xe chở tới, cháy nhỏ hơn nên theo tôi làm mát tầm 30 phút là có thể hút xăng ra để đảm bảo an toàn.

PV - Theo thông tin cập nhật từ hiện trường, ngon lửa lần đầu được khống chế lúc 15h51, lực lượng cứu hỏa đã vào tiếp cận bồn xăng để tháo xăng ra, nhưng ngọn lửa bất ngờ bùng phát trở lại lúc 16h15, tức là hơn 25 phút sau, chỉ khoảng thời gian ngắn vậy mà vào xả xăng trong bồn ra có đảm bảo an toàn?

TS. Nguyễn Minh Khương: Việc xả xăng ra đấy cần phải xem lại cho chính xác, chứ không ai có nghiệp vụ lại xả xăng ra lúc mà nhiệt độ bồn vẫn còn nóng như vậy.

PV - Nếu đúng là lúc đấy vào xả xăng thì lửa bùng phát lại là khó tránh?

TS. Nguyễn Minh Khương: Chắc chắn là rất nguy hiểm, nên chắc là có vấn đề gì đó xảy ra, chứ không phải người ta vào xả xăng khi mới dập tắt lửa được hơn 20 phút.

b-chay-cay-xang-Phunutoday.vn.jpg
Lực lượng chữa cháy Hà Nội chật vật mất gần 6 giờ đồng hồ mới khống chế được ngọn lửa cháy ở xe bồn chở xăng.


PV -Vụ cháy xảy ra đã kéo dài gần 4 giờ đồng hồ (tính tới thời điểm 17h30), ông có nghĩ rằng lửa sẽ được khống chế khi xăng trong bồn tự cháy hết?

TS. Nguyễn Minh Khương: Nếu cháy gần hết thì nguy cơ nổ còn cao hơn, vì xăng cạn thì phần thùng trống nhiều, khoảng trống hơi đó bị đốt nóng có thể tạo ra áp suất cực lớn gây nổ bồn. Ở góc độ nào đó cháy hết chất cháy sẽ tự tắt, nhưng ngược lại nguy cơ nổ rất cao.

Sau vụ việc này chắc chắn lực lượng PCCC Hà Nội đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm để nếu có sự việc tương tự thì việc chữa cháy sẽ hiệu quả hơn. Trong đó có cả vấn đề về trang thiết bị chữa cháy thiếu hụt, yếu kém, nên việc triển khai dập lửa rất khó khăn.

Cũng phải nói rằng, việc chữa cháy vụ việc này khá kịp thời, lực lượng tới nhanh nên kịp làm mát, nếu không bồn chứa đã nổ rồi. Tuy nhiên hiệu quả chưa được cao.

PV -Hà Nội có rất nhiều cây xăng dầu nằm xen lẫn các khu dân cư, thậm chí nằm rất sát nhà dân, vậy ông đánh giá thế nào về mối đe dọa từ những cây xăng này?

TS. Nguyễn Minh Khương: Có thể nói, hiện nay trên địa bàn Hà Nội những cây xăng vi phạm khoảng cách an toàn là rất nhiều, nếu có sự cố cháy xảy ra rất nguy hiểm, thực tế hôm nay đã chứng minh điều đó. Những mối nguy đó không chỉ liên quan tới một đơn vị, cá nhân nào đó, mà liên quan tới nhiều tổ chức, như cấp phép, quy hoạch… Những cây xăng này tồn tại từ rất nhiều năm nay nên xảy ra tình trạng như vậy.

Lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cây xăng. Còn xảy ra cháy chủ yếu là do sơ suất của con người.

PV – Xin cảm ơn ông!

Theo tin từ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, đơn vị này đã mời Viện kiểm sát quân sự vào cuộc, phối hợp với Công an TP. Hà Nội để điều tra nguyên nhân gây cháy vì trường hợp này có liên quan tới đơn vị quân đội.

Đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy toàn bộ hơn 500 cây xăng trên địa bàn thành phố.

Trong nỗ lực khống chế ngọn lửa chiều 3/6, đã có 10 chiến sỹ cảnh sát PCCC phải nhập viện do bị bỏng và ngạt khói từ đám cháy. 3 nhân viên của cây xăng bị lửa táp vào tay và mặt cũng được đưa đi cấp cứu.

Nguồn: