Xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng, dầu: Không quyết liệt, khó hoàn thành
09:15 SA @ Thứ Ba - 12 Tháng Ba, 2024

Sau gần 2 tháng triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần trong bán lẻ xăng, dầu, hiện mới có khoảng hơn 50% cửa hàng thực hiện do gặp vướng mắc về kỹ thuật, chi phí. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khi Chính phủ yêu cầu địa phương phối hợp với cơ quan thuế thu hồi giấy phép kinh doanh những DN chậm triển khai việc xuất hóa đơn trước ngày 31/3.

Mua bán xăng tại cửa hàng trong Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trong Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Doanh nghiệp chậm triển khai vì nỗi lo chi phí

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022, 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên cả nước phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng yêu cầu các DN bán lẻ xăng, dầu phải lập hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, hiện đã quá thời hạn này hơn 2 tháng, gần 9.500 cây xăng, chiếm 56% số lượng cả nước chưa thực hiện đúng quy định, theo cập nhật đến ngày 26/2 từ Bộ Tài chính.

Để đẩy nhanh tỷ lệ triển khai và đồng đều giữa các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế có kết quả cao cần phối hợp với những cục thuế có kết quả chưa cao chủ động chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, giải pháp phù hợp để thực hiện, cố gắng hoàn thành theo đúng tiến độ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Phi Vân Tuấn

Tại Nghị quyết ngày 5/3 mới đây, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan thuế xử lý các DN đến hết ngày 31/3 chưa triển khai việc xuất hóa đơn này. Chế tài xử lý nặng nhất là yêu cầu DN vi phạm tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Lo bị rút giấy phép, nhiều DN rốt ráo tìm giải pháp nhưng còn gặp vướng liên quan tới các vấn đề kỹ thuật như lựa chọn công nghệ, kiểm định cột bơm.

Giám đốc một cửa hàng xăng tư nhân ở Hà Nội cho biết, theo quy định, trụ bơm dầu phải được duyệt mẫu, DN không được tự gắn các thiết bị vào trụ bơm, dễ dẫn tới sai số, vi phạm quy định đo lường. Hiện, DN này làm việc với đối tác công nghệ nhưng chưa bảo đảm quy định khi đấu nối thông tin trụ bơm xăng và hệ thống quản lý. Ngoài ra, chi phí 40 - 60 đồng một hóa đơn khi xuất ra cũng là áp lực tài chính cho DN khi triển khai. DN này tìm hiểu một số phương án khác từ các đơn vị cung cấp giải pháp như dùng máy Pos cầm tay, ứng dụng trên điện thoại, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Nhưng điều băn khoăn là mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đổ xăng với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng số lượng hóa đơn xuất ra sẽ rất lớn. Nếu hạ tầng công nghệ thông tin không tốt, chưa đồng bộ sẽ dẫn đến tắc nghẽn, ảnh hưởng tới khách hàng, hoạt động của cửa hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Minh - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Bảo (chủ sở hữu 2 cây xăng trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Rất khó hoàn thành hóa đơn điện tử từng lần trong tháng 3/2024. Mặc dù, DN sẵn sàng thực hiện hóa đơn điện tử từng lần nhưng đề nghị cơ quan thuế và các sở, ngành liên quan cần phối hợp hỗ trợ DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đơn cử như, cán bộ thuế cần tới trực tiếp hiện trường để hỗ trợ kết nối, mở niêm phong trụ bơm, đấu nối truyền dữ liệu từ cột bơm xăng dầu của DN”.

Ngày 11/3, khảo sát của phóng viên tại một cây xăng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho thấy, hầu như rất hiếm khách hàng yêu cầu cây xăng cung cấp hóa đơn bán lẻ. Nhân viên cây xăng cho biết, chỉ khi nào khách hỏi hóa đơn thì mới cấp, nhưng hầu hết khách hàng đi xe máy không hỏi, thi thoảng mới có tài xế ô tô yêu cầu cấp hóa đơn. Hơn nữa, vào những giờ cao điểm, khách phải xếp hàng nối dài, nếu viết hóa đơn cho từng người sẽ mất thêm rất nhiều thời gian.

Theo chia sẻ của nhiều DN bán lẻ xăng, dầu, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn cụ thể về việc cấp hóa đơn bán lẻ xăng, dầu theo từng lần bán. Một số DN cũng than thở, để cấp hóa đơn bán lẻ có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, các DN cần phải đầu tư thêm khoản tiền khá lớn, nhất là với những cửa hàng có hạ tầng đã cũ, giờ muốn triển khai phải thay đổi một loạt hệ thống cột bơm mới, lắp thêm thiết bị…

“Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích các DN đầu tư thiết bị, cột bơm mới, kịp thời chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ, thay vì bắt buộc DN tự đầu tư, xoay xở tìm giải pháp, công nghệ như hiện nay” - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đề xuất.

Quyết liệt triển khai, bảo đảm kinh doanh minh bạch

Ở góc độ vừa là một tài xế chạy xe ô tô hợp đồng, vừa là người tiêu dùng, anh Đỗ Đức Long (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, anh rất đồng tình và ủng hộ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng khi mua xăng, dầu nhằm chống gian lận thuế, xăng lậu, kém chất lượng, đồng thời kiểm soát được thu thuế. Đây cũng là văn hóa kinh doanh của DN và người dân khi mua hàng. Tuy ban đầu áp dụng có những khó khăn về cơ sở hạ tầng như thiết bị, phần mềm..., song mọi việc đều giải quyết được nếu các chủ DN kinh doanh xăng, dầu quyết tâm làm.

Nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh, đã từ lâu hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay tiệm thuốc tân dược… đều đã xuất hóa đơn được thì không lý do gì chủ DN, cửa hàng xăng, dầu lại kêu tốn chi phí. Hơn nữa, việc xuất hóa đơn điện tử vừa tiết kiệm chi phí giấy, mực in mà vẫn bảo đảm yếu tố lưu trữ khi cần kiểm tra. Do đó, đây là việc cơ quan quản lý cần đốc thúc DN xăng, dầu phải làm ngay để chống gian lận thương mại, minh bạch trong kinh doanh.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhiều chuyên gia khuyến nghị, để quy định sớm đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế phải có hướng dẫn đồng bộ, nhất là lưu tâm hoàn cảnh thực tế của DN bán lẻ xăng, dầu. Mọi yêu cầu, quy định đúng pháp luật, song không quá rắc rối để tạo thuận lợi nhất cho DN.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, DN cũng cần có thời gian chuẩn bị, tính toán công nghệ, lựa chọn phần mềm, chi phí. Trong khi đó, cơ quan thuế cũng cần có thời gian hướng dẫn, triển khai và hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh doanh xăng, dầu cũng cần phải bình đẳng, minh bạch với các lĩnh vực khác đã triển khai từ tháng 7/2022 theo Luật Quản lý thuế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những yêu cầu bắt buộc. Trong đó, bán lẻ xăng, dầu được áp dụng trễ nhất, do đó đã đến lúc các DN, cửa hàng phải thực hiện.

Đại diện Tổng cục Thuế thông tin, để bảo đảm 100% cửa hàng xăng, dầu trên cả nước thực hiện theo quy định, Bộ Tài chính đã tiếp tục yêu cầu Tổng cục Thuế quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng, dầu. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Liên quan đến vướng mắc kỹ thuật, hiện, Bộ KH&CN đã yêu cầu các Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương hướng dẫn các tổ chức, DN, cá nhân liên quan tích cực triển khai các giải pháp phù hợp.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26/2/2024, cả nước có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định. So với thời điểm 1/12/2023, số lượng thực hiện đã tăng thêm 5.849 cửa hàng. Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như: Bắc Ninh (100%), Đắk Lắk (97%), Thanh Hóa (95%), Yên Bái (91%), Nam Định (89%), Hà Nội (88%) Hải Dương (88%)…
Nguồn: