CÁI GỌI LÀ “CĂN CỨ PHÁP LÝ”
08:49 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Tư, 2014

Quyết định truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong gần một năm qua. Để giúp độc giả hiểu rõ thêm, chúng tôi xin cung cấp một cách đầy đủ cái gọi là “căn cứ pháp lý” của Bộ Tài chính về quyết định truy thu thuế này.

Ảnh: Internet

Ngày 07 tháng 12 năm 2012, Bộ Tài chính gửi Thông báo số 17060/BTC-VP (sau đây gọi tắt là Công văn 17060) cho Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan của các tỉnh, thành phố (xin xem Bản sao công văn kèm theo). Công văn nói trên do Chánh văn phòng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký ngày 07 tháng 12 năm 2012 với nội dung cơ bản là: “Căn cứ vào Điều 9 của Nghị định 154/2005/NĐ-CP, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp xăng dầu phải thay tờ khai hải quan và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế nêu trên”.

Để có thêm căn cứ cho việc xem xét tính hợp pháp của Công văn nói trên, ngày 08 tháng 07 năm 2013, Cục Kiểm tra Văn bản Quy Phạm - Bộ Tư pháp đã chủ trì, tổ chức cuộc họp mặt với sự tham gia của Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế), Vụ Pháp luật dân sự - Bộ Tư pháp, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có liên quan.

Trong cuộc họp này, quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng Công văn 17060 chỉ là văn bản hành chính đôn đốc công tác tổ chức thực hiện, không mang tính quy phạm.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không muốn bàn về loại hình của văn bản nhưng nội dung của bất kỳ loại hình văn bản nào cũng phải tuân thủ luật định hiện hành. Trong trường hợp cụ thể này, nội dung Công văn 17060 lại mâu thuẫn với các điều luật quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 194/2010/TT-BTC do chính Bộ Tài chính ban hành.

Chính vì vậy, ngày 16 tháng 07 năm 2013 Cục Kiểm tra Văn bản Quy Phạm - Bộ Tư pháp đã có công văn số 170/KtrVB đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ Công văn 17060/BTC-VP vì có nội dung trái với quy định hiện hành (xin xem Bản sao công văn kèm theo).

Ngày 05 tháng 08 năm 2013, Bộ Tài chính có Công văn số 10197/BTC-PC trả lời Cục Kiểm tra Văn bản Quy Phạm - Bộ Tư pháp về những vấn đề có liên quan (xin xem Bản sao công văn kèm theo).

Trong Công văn này, Bộ Tài chính khẳng định Thông báo 17060 thống nhất với những điều khoản quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP, Thông tư 194/2010/TT-BTC. Sau đây, chúng tôi xin trích nguyên văn cái gọi là “sự thống nhất” giữa Công văn 17060 với những điều khoản quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 194/2010/TT-BTC đã được Bộ Tài chính khẳng định trong Công văn số 10197/BTC-PC trả lời Cục Kiểm tra Văn bản Quy Phạm - Bộ Tư pháp:

- Tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định: “Trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có lý do chính đáng, có văn bản đề nghị và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận thì được bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan đã đăng ký; trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác”.

- Tại Khoản 3 Điều 37 Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn: ”Trường hợp hàng hoá tạm nhập nhưng không tái xuất hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hàng giải quyết thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai tạm nhập, không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định. Thời hạn nộp thuế, phạt chậm nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này”.

Cái gọi là những căn cứ pháp lý mà Bộ Tài chính viện dẫn trong công văn trả lời Bộ Tư pháp không có sức thuyết phục vì:

Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định: “ … trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì “được” thay tờ khai hải quan khác”. Hay nói cách khác việc thay tờ khai hải quan khác không mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp (về mặt ngữ nghĩa thì đượcphải là hai trợ động từ trong tiếng Việt hoàn toàn khác nhau). Để cụ thể hơn tại Khoản 3 Điều 37 trong Thông tư 194/2010/BTC-TT quy định rất rõ việc “được” này là: “không đăng ký tờ khai mới” vì thế việc buộc “Các doanh nghiệp xăng dầu phải thay tờ khai hải quan và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế”trong Công văn 17060 của Bộ tài chính là trái với luật định hiện hành.

Cũng trong công văn trả lời Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra các căn cứ pháp lý về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như công tác tổ chức thực hiện việc thu thuế nhập khẩu … . Rất tiếc rằng, không hiểu sao những điều khoản mà Bộ Tài chính trích dẫn lại không liên quan gì đến quyết định truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa hay nói cách khác không hề có căn cứ pháp lý nào liên quan đến đến quyết định truy thu thuế nhập khẩu trong những trích dẫn tiếp theo này.

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 13656/BTC-TCHQ cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam giải thích về những vấn đề có liên quan (xin xem Bản sao công văn kèm theo).

Nhưng rất tiếc, trong Công văn nói trên, Bộ Tài chính không đưa ra thêm bất kỳ một căn cứ pháp lý mới nào chứng minh cho việc truy thu thuế của mình là đúng với các quy định hiện hành.

Trong Công văn này, Bộ Tài chính giải thích việc yêu cầu Tổng cục Hải quan tiến hành xử lý truy thu thuế đối với doanh nghiệp có lô hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa phát sinh trong năm 2012 là theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn 622/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 04 năm 2013. Vì là một văn bản “mật” nên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam không có điều kiện tiếp cận Công văn số 622/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 04 năm 2013. Song chúng tôi thiết nghĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ không thể chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện những công việc trái với luật định hiện hành. Vì thế, việc Quý Bộ Tài chính chỉ viện dẫn Công văn 622/VPCP-KTTH mà không nói rõ nội dung chỉ đạo cụ thể của văn bản này là không đủ căn cứ pháp lý cho việc truy thu thuế. Nếu thực sự có sự chỉ đạo cụ thể bằng văn bản của Phó Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Tài chính cũng nên công bố để tránh những hiểu lầm không đáng có của công luận đối với sự điều hành trái với quy định hiện hành của Quý Bộ.

Để làm rõ những vấn đề có liên quan, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 25 tháng 11 năm 2013, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gửi Công văn số 16280/BTC-TCHQ (xin xem Bản sao công văn kèm theo) cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Trong Công văn này, ngoài việc một lần nữa khẳng định việc truy thu thuế là theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính còn bổ sung thêm là việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu là theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong Báo cáo số 240/KTNN-TH ngày 13 tháng 08 năm 2013.

Đối với “căn cứ pháp lý thứ hai” này, về mặt thời điểm mà nói, Hiệp hội xin có ý kiến như sau: Tổng cục hải quan và các Cục Hải quan đã gửi công văn việc truy thu thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu ngay sau khi nhận được Công văn 17060/BTC-VP ngày 7 tháng 12 năm 2012 của Quý Bộ, còn Báo cáo số 240/KTNN-TH của Kiếm toán Nhà nước là vào ngày 13 tháng 08 năm 2013 tức là đúng 8 tháng 6 ngày sau khi Công văn 17060 của Bộ tài chính chỉ đạo gián tiếp việc truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa. Điều đó cho thấy quyết định truy thu thuế được giải thích bằng việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Kiểm Toán Nhà nước là không có sức thuyết phục.

Trên đây là những căn cứ pháp lý mà Bộ Tài chính viện dẫn cho việc ra quyết định truy thu thế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa. Để góp phần làm cho sự việc được sáng tỏ, chúng tôi xin được cung cấp trước công luận những căn cứ pháp lý này và quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về những căn cứ pháp lý đó, đồng thời hy vọng sẽ nhận được các ý kiến phản hồi của độc giả trong và ngoài ngành về những vấn đề có liên quan.

Nguồn: