Cơ chế thuế cho Dung Quất: Không thể chậm trễ!
02:19 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Hai, 2016

Các đối tác sẽ không chờ Dung Quất được xem xét điều chỉnh cơ chế thuế để ký hợp đồng mới. Việc xem xét cơ chế thuế cho Dung Quất vì thế là không thể chậm trễ!

co che thue cho dung quat khong the cham tre

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Như PetroTimes đã thông tin, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 201/2015/TT-BTC ngày 16/12/2015 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc thì thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng từ Hàn Quốc chỉ còn 10%. Trong khi đó, mức thuế suất nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 20%.

Việc chênh lệch thuế suất này đã khiến giá sản phẩm xăng của Dung Quất cao hơn xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc là 4,87 USD/thùng (tính theo đơn giá trung bình của tháng 1/2016). Và điều này đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất gặp nhiều khó khăn khi các đối tác, đặc biệt là Petrolimex-đối tác lớn nhất của Dung Quất-đề nghị giảm giá xăng.

Và để giải quyết phần nào áp lực này, Dung Quất đã nỗ lực đàm phán, giảm giá bán (mức phụ phí đối với dầu DO áp dụng 6 tháng đầu năm 2016 mà BRS đề xuất đã thấp hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015), chia sẻ lợi nhuận với khách hàng nhưng các khách hàng chỉ đồng ý áp dụng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua. Đáng chú ý trong đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)-khách hàng lớn nhất của Dung Quất-chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016 với khối lượng DO giảm từ 120.000m3/tháng xuống 80.000m3/tháng theo Hợp đồng năm 2016.

Và để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa cho các tháng sau Tết không bị gián đoạn, BSR đã đàm phán với Petrolimex và các khách hàng lớn về phụ phí cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có sự điều chỉnh về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với các sản phẩm của BSR nên tất cả các khách hàng đã đề nghị BSR tiếp tục giảm giá. Điều đó dẫn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của BSR của năm 2016 gặp nhiều rủi ro.

Trước những vấn đề cấp bách trên, chiều 23/2, ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đã nhận được thông tin phản hồi về vấn đề thuế đối với mặt hàng xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Bộ đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý.

Cũng theo ông Thi thì quản điểm của Bộ là sẽ “ xem xét để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên”.

Phản hồi của Bộ Tài chính về vấn đề thuế đối với các sản phẩm của Dung Quất như vậy là rất tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường thì việc chậm trễ trong việc xem xét, điều chính chính sách thuế đối với các sản phẩm của một doanh nghiệp đặc thù như Dung Quất sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Mà điều hiển hiện rõ nhất là mốc thời gian 2-3 tháng đầu năm theo các hợp đồng mua sản phẩm của khách hàng với Dung Quất đã và sắp hết. Điều này đồng nghĩa, hết tháng 2 hoặc tháng 3, nhiều khách hàng của Dung Quất có thể sẽ không tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của nhà máy nếu như giá không giảm.

Không bán được sản phẩm, tồn kho tăng cao, trong khi kho chứa của Dung Quất chắc chắn có hạn thì việc nhà máy tạm ngừng sản xuất hay giảm công suất là điều hiển nhiên.

Thậm chí, trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hoài Giang-Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - thì nếu không sớm được giải quyết, chính sách thuế không được điều chỉnh ở mức hợp lý, sản phẩm của Dung Quất không tiêu thụ được, Nhà máy sẽ phải đóng cửa!

Thêm vào đó, theo ông Giang, thời gian tới, khi Hiệp định Thương mại với Nhật Bản được triển khai, sản phẩm xăng nhập khẩu từ Nhật Bản cũng sẽ có mức thuế nhập khẩu là 10%.

Trong khi đó, theo văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ về việc tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin, 90% sản phẩm của Dung Quất hiện là các sản phẩm xăng dầu.

Nguy cơ Dung Quất phải đóng cửa như vậy là hiển hiện và điều đáng nói là nguy cơ đó lại đang đến từ sự bất cập của chính sách. Đúng là hoạt động của một doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động… như ông Thi nói nhưng Dung Quất có đòi ưu đãi, có đòi hỗ trợ gì đâu.

Dung Quất chỉ cần sự công bằng, bình đẳng trong chính sách thuế giữa các sản phẩm của Nhà máy với các sản phẩm nhập khẩu và điều này là cấp bách, là không thể chậm trễ đối với hoạt động của Nhà máy trong thời gian tới!

Nguồn: