“Dầu giảm giá, áp lực tốt cho Việt Nam không đào tài nguyên lên bán”
03:00 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Hai, 2015

Việc giá dầu giảm trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu đã ảnh hưởng đến thu ngân sách nhưng lại là áp lực tốt để chúng ta đổi mới. Không thể đào tài nguyên thô lên bán như hiện nay, chuyên gia kinh tế TS. Lưu Bích Hồ cho biết.

“Dầu giảm giá, áp lực tốt cho Việt Nam không đào tài nguyên lên bán”Từ trái qua phải: TS. Lưu Bích Hồ, TS. Lê Việt Trung, TS. Lương Văn Khôi

Giá dầu thế giới thời gian vừa qua đã giảm mạnh về mức thấp lịch sử, có thời điểm chỉ dao động ở mức 40 USD-50 USD/thùng, nhiều dự báo cho thấy giá dầu có thể xuống thấp hơn 30 USD/thùng.

Giá dầu đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, một nước vừa xuất khẩu và vừa nhập khẩu dầu thô. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang hưởng lợi liệu có hưởng lợi từ việc giá dầu giảm hay thực chất đang mất đi một nguồn thu ngân sách lớn từ xuất khẩu dầu?

Áp lực tốt cho Việt Nam

(Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ)

Chuyên gia đến từ đại học Harvard đã từng nhận định Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên, nguồn thu từ dầu, than.

Kiến nghị Việt Nam bớt và kìm hãm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, dùng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao công nghệ để có thể khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này và đi vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất tạo nguồn thu từ năng suất, kinh tế.

Trong tháng 1/2015, thu ngân sách từ dầu giảm hơn 12%, mặc dù không hoàn toàn bi quan quá về thu ngân sách nhưng cơ chế, quy trình thu thuế cần được cải thiện, vấn đề thất thu còn đáng kể do đó chỉ cần siết thu.

Mới đây, Bộ Tài chính đã từng cân nhắc tăng thuế nhập khẩu dầu tuy nhiên, theo tôi vấn đề tăng thuế cần phải được cân nhắc từ nguồn thu, sản xuất kinh doanh, giá cả và tác động bên ngoài để đưa ra quyết định.

Một điểm tích cực khi giá dầu giảm theo tôi đây là áp lực tốt để chúng ta đổi mới, không thể đào tài nguyên lên bán thô lậu như hiện nay.

Ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài.

(TS. Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí Viện Dầu khí Việt Nam)

Giá dầu giảm, lợi đầu tiên của Việt Nam là chi phí nguyên liệu như xăng giảm, kích thích sản xuất trong nước, kích thích tiêu dùng.

Về dài hạn sẽ tốt cho kinh tế nhưng ngắn hạn chưa thể tác động ngay được do giá dầu giảm đột ngột nhưng xăng dầu lại giảm từ từ và các cước phí như giao thông vận tải chưa giảm mà luôn có độ trễ.

Ngoài ra, thiệt trước mắt là nguồn thu từ dầu giảm, một tính toán nhanh có thể thấy, khi giá dầu giảm, 1 triệu tấn mất 1 USD nên mất rất nhiều.

Giá dầu thô ở mức thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà nước ngoài vào các dự án tại Việt Nam do khi giá dầu giảm sâu quá trong khi nguồn thu của các công ty dầu khí chủ yếu từ khai thác dầu hoặc kinh doanh các sản phẩm từ dầu.

Nhiều kịch bản giá dầu được xây dựng, không ngoại trừ khả năng dầu giảm 30 USD/thùng

Do đó giá giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận giảm nên các chủ đầu tư sẽ cắt giảm các dự án không hiệu quả hoặc các dự án đầu tư trong tương lai.

Việc đầu tư vào bất kỳ dự án nào cũng cần thời gian dài nên họ sẽ cân nhắc bỏ tiền vào dự án đạt hiệu quả cao nhất.

Ngay với từng doanh nghiệp cũng đặt vấn đề về việc cắt giảm sản lượng khai thác. Cụ thể như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tuy nhiên sản lượng bao nhiêu, giảm hay dừng khai thác ở mỏ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó phải rà soát lại các mỏ có chi phí khai thác cao để dựa trên mức giá đó và đưa ra phương án.

Có lợi cho kinh tế Việt Nam

“TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo”

Giá dầu giảm sẽ có tác động 2 chiều tích cực và tiêu cực vào kinh tế Việt Nam. Cụ thể, tác động tích cực kích thích sản xuất trong nước. Giá đầu vào giảm làm tăng năng lực cạnh tranh, tác động tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế thế giới trong đó có các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… cải thiện thì xuất khẩu tăng.

Tiêu cực là giá giảm ảnh hưởng nguồn thu từ khai thác dầu. Nhưng tổng thể có lợi cho kinh tế Việt Nam.

Trường hợp giá dầu ở mức thấp nhất 30 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được cải thiện. Tuy nhiên, khai thác dầu với mức giá này thì giếng chi phí cao phải dừng lại hoặc trong ngắn hạn tích trữ xăng dầu.

Một điểm cần lưu ý, không nên nghĩ giá dầu giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước giảm theo. Giá xăng dầu trong nước cao hơn Indonesia và Malaysia, thấp hơn Trung Quốc, Lào, Campuchia… hạ xăng dầu tiếp thì sẽ dẫn đến buôn lậu, thất thu ngân sách.

Nguồn: