In hóa đơn khi bơm xăng, ai hưởng lợi?
02:33 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Chín, 2015

Từ 1/7/2018, tất cả cột đo xăng dầu trong nước đều phải gắn thiết bị in và giao hóa đơn cho khách hàng.

14

Cơ quan chức năng khẳng định, cả người tiêu dùng lẫn DN đều được hưởng lợi từ quy định in hóa đơn khi bơm xăng - Ảnh: Tạ Tôn

Từ 1/7/2018, tất cả cột đo xăng dầu trong nước đều phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng theo quy định mới của Bộ KH&CN. Với quy định mới này, người tiêu dùng lợi, thiệt gì?

Lãng phí?

Cũng theo Thông tư 15/2015/TT-BKHCN, quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, thiết bị in chứng từ bán hàng phải đảm bảo: Tình trạng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất và hoạt động tốt; Chỉ in được chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng (Ví dụ: Khi đặt vòi cấp phát vào giá treo trên cột đo xăng dầu); Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi thông tin in trên chứng từ bán hàng, thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu…

Các thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm: Tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán.

Từ góc độ đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM nhận định: Ngay sau khi thời gian thí điểm kết thúc đã xuất hiện hai luồng ý kiến ủng hộ và không.

“Hiện quy định đã được đưa vào văn bản chính thức song áp dụng trên thực tế vẫn còn một số vấn đề cần xem xét lại. Đáng nói, một số thành viên trong tổ nghiên cứu đề tài này của Sở KH-CN TP HCM lại phải rút đi làm nhiệm vụ khác, chưa thành lập được tổ mới”, ông Hà cho biết.

Về phía DN kinh doanh xăng dầu, ông Lê Văn Khả, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phượng (Hà Nội) bày tỏ: Khi nhà nước đã bắt buộc áp dụng thì tất nhiên DN chúng tôi sẽ phải theo, nhưng nếu đứng về phía người dân, sẽ có nhiều người cho rằng không cần thiết, thậm chí lãng phí.

Cụ thể, ông Khả cho biết, hoạt động in hóa đơn sẽ rất cần thiết đối với người đi ô tô, song với những người sử dụng phương tiện xe máy, họ sẽ cho rằng không tác dụng vì quá nhỏ lẻ. “Bất cứ quy định nào ra đời dù ít hay nhiều cũng tốn thêm thời gian, chi phí ảnh hưởng tới cả quyền lợi DN lẫn khách hàng”, ông Khả nói.

Sẽ hạn chế gian lận?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) khẳng định: Ưu điểm lớn nhất của quy định in hóa đơn khi bơm xăng chính là bảo vệ người tiêu dùng.

“Người dân sau khi mua xăng đều có trong tay chứng từ ghi rõ thông số cần thiết. Chứng từ này có thể làm căn cứ khi cần khiếu nại phản ảnh tới cơ quan thẩm quyền. Đây là bằng chứng quan trọng bởi trước đây khi nghi ngờ hành vi gian lận bơm xăng, chỉ với phản ảnh bằng miệng thì không có cơ sở để xử lý, bồi thường cho người thiệt hại”, ông Điệp nói.

Mặt khác, về phía DN, ông Điệp khẳng định, khi thực hiện quy định in hóa đơn xăng khi bơm, DN càng khẳng định được uy tín, chất lượng của mình. Theo ông Điệp, những cột xăng mới hiện nay khi nhập về đều đã có sẵn thiết bị in hóa đơn chứng từ. Với những cột xăng cũ trước đây, hầu hết đều có cổng sẵn, chỉ cần cài đặt phần mềm in hóa đơn. Trong khi đó, về chi phí, ông Điệp khẳng định, chỉ cần đầu tư chưa tới 3 triệu đồng/cột bơm xăng, là DN đã có thể lắp được.

Được biết, hiện có nhiều DN bán xăng dầu tại TP HCM và Đồng Nai đề nghị được lắp đặt thiết bị in hóa đơn.

“Chúng tôi hy vọng trước khi quy định trên có hiệu lực chính thức, sẽ xây dựng được những mô hình điểm, những địa phương làm tốt để các nơi khác hưởng ứng và làm theo”, ông Điệp nói.

Năm 2014, Chương trình thí nghiệm gắn thiết bị in chứng từ vào trụ bơm xăng của Sở KH-CN TP HCM bắt đầu được triển khai theo hai phương án. Thứ nhất là gắn thiết bị in thông qua bộ chỉ thị thì kết quả giữa hóa đơn với đồng hồ báo hoàn toàn trùng khớp. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này lại ở chỗ không phải giao diện trụ bơm xăng dầu nào cũng thích hợp với thiết bị in.

Khắc phục tình trạng trên, phương án thứ hai thay đổi bằng cách gắn thiết bị thông qua bộ phát xung để đưa các thông số ra máy in hóa đơn. Với cách làm này, mọi trụ bơm xăng đều có thể tương thích và lắp đặt được thiết bị. tuy nhiên, lại phát sinh ra việc kết quả cho ra giữa hóa đơn và đồng hồ báo không giống nhau, bị vênh dẫn tới sai số lớn nhất lên tới 500 đồng/lần bơm xăng.

Nguồn: