Kiểm soát nguồn thu khi tăng thuế bảo vệ môi trường
08:23 SA @ Thứ Hai - 23 Tháng Ba, 2015

Từ ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Nhiều ý kiến lo ngại: Sau ngày này, giá xăng có bị ảnh hưởng thuế mà tăng hay không và tiền thu được từ thuế BVMT này sẽ được sử dụng ra sao?

Bảo đảm lợi ích ba bên

Theo các chuyên gia kinh tế: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp trong 4 tháng qua là lý do khiến Nhà nước mạnh dạn hơn trong việc điều chỉnh tăng giá xăng, giá điện và thuế môi trường trong thời gian chưa đầy 2 tháng.

Liên quan tới băn khoăn của người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Việc tăng thuế BVMT cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. Theo Bộ trưởng Dũng, việc tăng thuế BVMT chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT như trên sẽ đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu. Nếu so sánh với giá xăng dầu của các nước trong khu vực thì giá xăng Ron 92 của Việt Nam nếu cộng thêm mức tăng thuế BVMT như trên vẫn thấp hơn giá xăng Ron 92 của một số nước trong khu vực tại thời điểm ngày 22/1, như thấp hơn Campuchia: 4.531 đồng/lít; Lào: 6.970 đồng/lít; Trung Quốc: 333 đồng/lít.


Điều hòa giá xăng dầu cần hài hòa lợi ích ba bên. Ảnh: Lê Phú

Trả lời câu hỏi về việc để bù lại việc tăng mức thuế BVMT nhằm ổn định giá xăng, liệu từ 1/5, thuế xuất nhập khẩu xăng dầu có giảm xuống 20% hay không? Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Thuế môi trường hoặc thuế xuất nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá xăng dầu. Khi xét giá xăng dầu, phải xét bài toán tổng thể của các sắc thuế. “Việc cam kết các hiệp định quốc tế nên cùng mặt hàng xăng dầu có thuế nhập khẩu khác nhau, gây rủi ro cho ngân sách Nhà nước vì vậy tôi cho rằng việc điều chỉnh thuế BVMT như vậy là hợp lý. Giảm bao nhiêu phải tính toán cụ thể, chứ không phải hiệu lực thuế BVMT phải giảm thuế nhập khẩu”, ông Thi nói.

Theo TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Trường hợp thiếu thận trọng sẽ dẫn đến một bên được hưởng lợi và bên kia phải chịu thiệt mà việc tăng thuế nhập khẩu khi giá xăng dầu giảm vừa qua là ví dụ. Nhà nước tăng thuế nhập khẩu thì sẽ tăng thu ngân sách, song người tiêu dùng không được hưởng lợi gì từ việc giá xăng dầu giảm.

Kiểm soát chặt nguồn thuế tăng thêm

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Cùng với gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì vấn đề bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt quan tâm nhằm tạo sức cạnh tranh cho mỗi nền kinh tế. Bên cạnh đó yêu cầu cải thiện môi trường đang là những thách thức của nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trong cả nước. Điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Phong, việc sử dụng nguồn thu thuế môi trường đối với mặt hàng này cũng cần công khai, cần được kiểm toán thường xuyên. Thực tế thời gian qua, việc sử dụng nguồn thu này còn rất mù mờ, ít được đề cập đến. Nguồn tăng thêm từ thuế môi trường với mỗi lít xăng, dầu phải được chi đúng mục đích, không nên là khoản bù chi cho ngân sách. Việc tăng thu cho ngân sách hiện nay vẫn còn nhiều dư địa, đó là việc tăng các cơ sở thu, bao quát các khoản thu đi đôi với việc chống thất thu… Đơn cử chỉ riêng nghiệp vụ chống chuyển giá thôi năm qua cũng đã tăng thu hơn 9.000 tỷ đồng, điều đó đòi hỏi ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc thay vì việc tăng thuế đơn giản hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm do giá xăng dầu thời gian qua liên tiếp giảm thì các cơ quan chức năng nên tìm giải pháp để tiết kiệm chi và chi có hiệu quả, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định. Bởi trong khi sức mua còn hạn hẹp, để kích cầu cần có nhiều giải pháp, trong đó có giảm thuế và tăng tiêu dùng của Chính phủ.

“Thực tế, các nguồn thu từ thuế đều chảy vào ngân sách Nhà nước. Không thể tăng thuế môi trường để bù đắp cho giảm thuế nhập khẩu, mà thuế môi trường phải được xem là khoản ngân sách riêng dành cho mục đích bảo vệ môi trường. Chính phủ cần có phương án chi tiêu hợp lý nguồn tiền thuế này, trong khi Quốc hội phải có cơ chế giám sát đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nếu không, nguồn thuế thu được sẽ có thể bị sử dụng kém hiệu quả, thậm chí lãng phí”, TS Lê Quốc Phương bày tỏ.

Nguồn: