Kinh doanh xăng dầu: Bỏ quy hoạch cũng không dễ thở hơn
02:24 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Hai, 2018

Hàng loạt điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi Bộ Công Thương quản lý đã được bãi bỏ như quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, từ quy hoạch đối với thương nhân đầu mối đến điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vậy mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại không hề xem đây là cơ hội thực sự được “cởi trói” khỏi những rào cản.

Không chỉ vướng... quy hoạch

Tuần trước, Thủ tướng đã ký Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Trong đó, bãi bỏ quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu (bỏ điều kiện địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đồng thời, bỏ luôn điều kiện cơ sở kinh doanh xăng dầu hiện có chưa phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện lộ trình nâng cấp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó.

Trên thực tế, việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xăng dầu sẽ không tác động nhiều đến hướng phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xăng dầu lớn. Ảnh: NGUYỄN NAM

Các thủ tục liên quan đến việc “phù hợp với quy hoạch” trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tác động nhiều nhất đến thương nhân đầu mối (có quyền xuất, nhập khẩu) và thương nhân bán lẻ. Với quy định mới này, các doanh nghiệp không còn phải đi xin giấy phép phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống (kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dầu dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông), phù hợp với quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu tại địa phương... như Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng việc bãi bỏ các điều kiện như trên không phải là bước đột phá của Bộ Công Thương. Lý do là Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vài tháng trước đã loại bỏ những quy hoạch bất hợp lý của các bộ, ngành. Luật này chỉ cho phép Bộ Công Thương được ban hành quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Theo đó, quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu bị bãi bỏ là tất yếu.

Quan trọng là trên thực tế, trong “rừng” điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện nay, có bỏ vài điều kiện không cần thiết, bất hợp lý như trên thì cũng còn hàng chục điều kiện khác buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, chủ yếu nằm ở cấp địa phương. Nó khiến cho việc mở điểm bán lẻ vẫn hết sức khó khăn.

Phát biểu tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cách đây hai tuần, Tổng giám đốc PV Oil Cao Hoài Dương cho biết: “Để mở được một cây xăng cần 28 con dấu”. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại địa phương, công ty con của Petrolimex, nói với TBKTSG rằng để mở một cây xăng ở địa bàn của ông chắc chắn cần nhiều hơn con số 28 con dấu đã nêu ra ở trên. Đó là một trong những lý do khiến năm năm nay, doanh nghiệp này không thể mở thêm một điểm kinh doanh bán lẻ mới nào

Chủ yếu vẫn sẽ là mua bán, sáp nhập thay vì mở mới

Nghị định 83 hiện hành quy định điều kiện mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu tưởng như rất đơn giản. Điều 24 của nghị định này quy định địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nay điều kiện này đã được bỏ - NV). Cửa hàng phải thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân (đại lý/tổng đại lý/thương nhân nhượng quyền bán lẻ hoặc thương nhân có hệ thống phân phối). Ngoài ra, cửa hàng phải được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng các quy định hiện hành về tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng. Cán bộ quản lý, nhân viên được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo về các nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường... Nếu hồ sơ đủ thì việc cấp phép tại sở công thương các địa phương diễn ra tối đa trong vòng từ 20-30 ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không dễ dàng như vậy. Đúng là phải có gần 30 giấy tờ các loại dưới dạng chấp thuận/chứng nhận/xác nhận thì doanh nghiệp xăng dầu mới có thể có thêm một cây xăng mới. Ví dụ, phải có văn bản chấp thuận địa điểm của UBND xã, huyện cấp; giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy - chữa cháy do cơ quan công an phòng cháy - chữa cháy cấp; xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường do UBND quận, huyện cấp và nhiều thủ tục chuyên ngành khác. Đó là lý do mà ở các địa phương nhỏ thì thời gian mở mới một cây xăng cũng phải mất hai năm. Còn tại TPHCM và Hà Nội, do yêu cầu an toàn đô thị, các cây xăng mở mới hầu hết đều tiến dần ra ngoại thành và các khu vực mới phát triển.

Quan điểm của ông Cao Hoài Dương, dù quy hoạch có được bỏ hay không thì chủ yếu PV Oil vẫn sẽ tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) các điểm bán lẻ thay vì mở mới phải qua rất nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, tiền bạc. Cả nước hiện có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu với hơn 14.000 cây xăng. Mục tiêu của PV Oil là trong vòng năm năm tới, sẽ M&A cộng với mở mới hơn 1.000 cây xăng (200 cây xăng/năm) để nhanh chóng phát triển thị phần bán lẻ.

Với Petrolimex, doanh nghiệp hiện đã chiếm 48% thị phần, phát triển hệ thống bán lẻ theo hướng M&A cũng là ưu tiên lớn. Con số mà Petrolimex dự định sẽ mua lại mỗi năm, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn này, là 70 cửa hàng/năm. Còn việc mở mới sẽ tập trung tại các dự án đường giao thông đang được đầu tư xây dựng hoặc các vị trí thuận lợi.

Điều đó cho thấy, trên thực tế, việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xăng dầu sẽ không tác động nhiều đến hướng phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xăng dầu lớn.

Nguồn: