Ngăn chặn “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng
02:50 SA @ Thứ Ba - 09 Tháng Mười, 2018

Phỏng vấn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về những tác động của việc giá xăng dầu tăng đối với giá cả thị trường và CPI năm 2018.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Thưa ông, ngày 6/10 vừa qua giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng. Đây là lần tăng giá thứ 9 trong năm 2018. Xin cho biết đánh giá của ông về tác động của đợt tăng giá xăng dầu này đến giá cả thị trường và lạm phát năm 2018?

Năm 2018 Quốc hội, Chính phủ dự kiến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, lạm phát đã ở mức 3,57%, có nghĩa là lạm phát đã tiệm cận với mục tiêu 4%, trong khi đó còn 3 tháng nữa mới hết năm 2018. Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên quyết sẽ đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu, vấn đề đặt ra là với mức lạm phát hiện tại, cùng với giá xăng tiếp tục tăng thì có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra hay không? Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu này là một thách thức. Chính phủ rất quyết tâm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, một biến số cực kỳ quan trọng đối với lạm phát là giá dầu thô trên thế giới lại có những diễn biến khó lường.

Hiện nay Tổng thống Mỹ Donal Trump hủy thỏa thuận Hạt nhân với Iran nên quyết định cấm vận Iran XK dầu. Trong khi đó, đây là quốc gia sản xuất và XK dầu thô lớn nhất thế giới và sự cấm vận này làm cho giá dầu tăng lên. Giá xăng dầu tùy thuộc vào quan hệ cung cầu. Khi nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng. Đồng thời, theo thỏa thuận thì một số nước như Nga và một số nước OPEC sẽ không tăng sản lượng do tăng sản lượng thì giá dầu sẽ giảm, trong khi đó lại là nguồn thu lớn của các nước này trong năm qua và sẽ làm cho các nước này thất thu. Hiện nay giá dầu thô đang ở mức dưới 90 USD/thùng và dự kiến sẽ còn tăng lên khoảng 100 USD/thùng thời gian tới, điều này sẽ tác động lớn đến lạm phát 2018. Việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lên các hàng hóa dịch vụ, tác động đến lạm phát những tháng cuối năm.

Trong điều kiện giá xăng dầu tăng, điều hành của Chính phủ cần lưu ý điều gì để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, thưa ông?

Giá xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng của nền kinh tế, vì thế việc giá xăng dầu tăng lần thứ 9 trong năm cũng như tiếp tục tăng giá sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát thời gian tới. Đơn cử, một số ngành như vận tài, đánh bắt cá xa bở, nhiệt điện chạy bằng dầu… sẽ chịu tác động trực tiếp. Bên cạnh đó, sẽ có tác động gián tiếp thông qua việc vận chuyển từ sản xuất đến tiêu dùng sản phẩm… Do đó, xăng dầu tăng giá sẽ làm CPI tới đây có những biến động. Chưa kể, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc diễn ra cũng tác động tới Việt Nam. Với độ mở của nền kinh tế lớn, thì việc tỷ giá biến động theo chiều hướng giảm sẽ là cho giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng, ảnh hưởng chi phí và giá thành sản xuất trong nước tăng.

Trong điều hành kinh tế có một vấn đề cần tránh đó là hiện tượng“té nước theo mưa” của giá cả thị trường, nghĩa là khi một mặt hàng tăng giá thì các mặt hàng khác đồng loạt tăng theo. Như vậy, biện pháp của Nhà nước là cần cảnh giác và phải kiểm soát hết sức chặt chẽ. Việc xăng dầu tăng giá lần này và theo dự báo là còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2019, tiến tới mức 100 USD và hiện nay xu hướng này đang rõ rệt. Chính vì thế, đây là một cảnh báo và thách thức không nhỏ trong điều hành kinh tế của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: