Người dùng đáng ra không phải trả thêm tiền cho giá xăng?
07:48 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Chín, 2016

Giá xăng RON 92 chiều 20/9 đã được điều chỉnh tăng 156 đồng/lít, đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong các kỳ điều hành gần đây và tính từ đầu năm đã có 8 lần tăng giá xăng tổng cộng hơn 4.300 đồng/lít.

Người dùng đáng ra không phải trả thêm tiền cho giá xăng?Giá xăng tăng hơn 150 đồng/lít từ 3 giờ chiều ngày 20/9. Ảnh: TL

"Cõng" thêm 100-200 đồng/lít vì cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới
Theo chu kỳ điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng RON 92 đã tiếp tục tăng nhẹ thêm hơn 150 đồng/lít, tiếp tục giữ nguyên mức trích lập bình ổn quỹ xăng dầu đối với mặt hàng xăng là 300 đồng/lít như trước đó.
Như vậy, đây là lần tăng giá xăng thứ 3 liên tiếp trong các kỳ điều hành gần đây và là lần thứ 8 giá xăng được điều chỉnh tăng với tổng cộng hơn 4.300 đồng/lít. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 8 lần giảm với tổng cộng hơn 4.400 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá.

Nguyên nhân lần tăng giá này được lý giải bởi giá thị trường thế giới tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá xăng có thể đã không tăng trong kỳ điều hành lần này, người dùng đáng ra đã không phải mất thêm tiền cho giá xăng bởi lẽ theo phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng mới được áp dụng từ ngày 1/7 vừa qua đã khiến giá xăng đến tay người tiêu dùng phải chịu thêm từ 100-200 đồng/lít.

Cụ thể, theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/7, thuế tiêu thụ đối với mặt hàng xăng dầu được tính trên mức giá đầu ra, bao gồm cả các chi phí thay vì tính trên giá nhập khẩu như trước đó.

“Với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới này dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, mặt hàng xăng dầu vênh so với giá xăng theo cách tính cũ từ 100-200 đồng/lít, điều này ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, vị chuyên gia này cho biết.

Chưa hưởng lợi từ các FTA
Không chỉ bất cập ở cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, người tiêu dùng hiện cũng đang chịu thiệt vì việc áp dụng mức thuế bình quân gia quyền tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa thực sự hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết với Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc tính đến cuối tháng 8 tăng mạnh lên mức 6,7 lần và đạt 1,06 triệu tấn. Đây là thị trường nhập khẩu thuế nhập khẩu chỉ 10% so với mức 20% tại một số thị trường khác.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, lượng xăng dầu nhập khẩu từ Singapore và Malaysia cũng tăng mạnh, cụ thể Malaysia tăng gấp 5 lần, Singapore tăng 12,3% do các mặt hàng dầu nhập từ thị trường này về 0% từ đầu năm nay, trong khi thị trường như Trung Quốc giảm 24,6%.

Việc thay đổi thị trường nhập khẩu, tăng mạnh tại Hàn Quốc được lý giải nhằm hưởng chênh lệch thuế suất do FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã cam kết trước đó. Theo đó giá cơ sở cũng giảm theo.

Tuy nhiên, cách tính giá cơ sở là thuế bình quân gia quyền, tức là theo sản lượng nhập khẩu từ các thị trường khác nhau, lấy số liệu kỳ trước tính cho kỳ sau đã giúp doanh nghiệp “đúi túi” một khoản tiền lớn.

Hiện, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng là 15,74%, mặt hàng dầu diesel là 1,84%, dầu hoả và dầu mazut là 0%.

Mặc dù so với thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với xăng trong quý trước là 18,35% và dầu diesel là 2,32%, thì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của quý III/2016 đối với các mặt hàng xăng dầu đã giảm mạnh từ 0,3% - 3%. Nhưng, so với mức 10% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc thì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong quý III này vẫn cao hơn rất nhiều.

Nguồn: