Quan điểm của VINPA về bài viết "Giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm như thế là chưa đủ!"
02:47 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Mười Hai, 2014

Ngày 08/12/2014, trên trang web của báo Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) có đăng bài “Giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm như thế là chưa đủ!" của tác giả Phong Nguyên. Sau đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết, đồng thời thể hiện quan điểm của Hiệp hội về nội dung bài viết này.

“Giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm như thế là chưa đủ!"

PHONG NGUYÊN 08/12/14 16:49

(GDVN) - Đó là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

Trưa 6/12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố biểu giá bán lẻ mới. Theo đó, xăng RON 92 được niêm yết 19.930 đồng/lít, còn xăng RON 95 được bán với giá 20.530 đồng/lít, như vậy giá xăng đồng loạt giảm 320 đồng/lít. Xăng sinh học E5 có giá tương tự RON 92. Dầu Mazut cũng giảm 320 đồng/lít, trong khi Diesel và Dầu hỏa lần lượt giảm 240 và 280 đồng/lít.

Đây là lần thứ 11 liên tiếp giá xăng giảm kể từ 28/7, sau khi tăng một mạch 5 lần trong 6 tháng đầu năm. Lần điều chỉnh gần nhất vào 22/11 cũng là mức giảm kỷ lục trong nhiều năm qua, 1.140 đồng/lít. Với mức giảm 320 đồng/lít hôm nay, đây là lần đầu tiên giá xăng RON 92 xuống dưới 20.000 đồng/lít kể từ cuối tháng 3/2011.

Có thể thấy, đà giảm mạnh và liên tiếp của giá dầu thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam theo cả hai chiều, xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu nhiên liệu thành phẩm.

Để làm rõ sự ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới tới Việt Nam, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

- Sau lần giảm giá xăng, dầu mới đây nhất, có ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa bám sát giá xăng dầu thế giới, thậm chí còn cao hơn nhiều so với thế giới. Bà có thấy vậy không?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

Rõ ràng giá xăng dầu trong nước dù đã giảm nhiều lần, nhưng so về mặt tỷ lệ vẫn chưa bám sát giá xăng dầu thế giới. Nói cách khác, giảm như thế là chưa đủ. Chưa kể việc giảm giá xăng, dầu ở trong nước thường có một độ trễ nhất định và người tiêu dùng buộc phải chấp nhận điều đó chứ không biết phải làm sao.

- Theo bà vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?

Do chúng ta chưa có cơ chế quản lý tốt giá xăng, dầu trên thị trường. Xăng, dầu hiện nay vẫn ở thế độc quyền, “bao cấp”, nguồn cung của chúng ta bị hạn chế thì sao có thể nói tới sự cạnh tranh hoàn hảo của một nền kinh tế thị trường?

- Giá xăng dầu giảm như hiện nay tác động như thế nào đến nền kinh tế thưa bà?

Có một điều chắc chắn, giá xăng, dầu giảm nền kinh tế sẽ được hưởng lợi bởi xăng dầu chính là máu của nền kinh tế bây giờ. Chẳng có ngành sản xuất nào có thể hoạt động nếu thiếu xăng dầu cả. Chúng ta đều biết việc giảm giá xăng, dầu không do chúng ta chủ động được. Chúng ta không thể biết trước mức giảm ra sao và thời gian giảm kéo dài bao lâu. Vì vậy, đây chính là cơ hội tốt cho tất cả các ngành sản xuất cố gắng tận dụng để thu lợi.

- Nhưng rõ ràng, giá xăng dầu giảm, ngân sách sẽ hụt thu. Theo ước tính, mỗi USD giảm cho 1 thùng dầu thô thế giới, ngân sách chúng ta đã giảm đi 1.000 tỷ đồng. Điều này có đáng lo ngại?

Khi xăng dầu giảm giá, ngân sách bị hụt thu thì chúng ta sẽ có những nguồn thu khác. Chẳng hạn, khi đó các ngành sản xuất sẽ phát triển, như vậy, ngân sách vẫn sẽ được hưởng lợi.

Thế nhưng, tôi vẫn thấy nền kinh tế ở Việt Nam kỳ cục quá cơ. Chúng ta đều biết giá xăng, dầu hay tỷ giá là thứ chúng ta ít tác động được, nhưng chúng ta lại đang hoàn toàn phụ thuộc vào nó.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, giá xăng dầu ở Việt Nam phải giảm hơn nữa (Ảnh minh họa: Internet)

- Dù giá xăng đã giảm kỷ lục, cước vận tải mới chỉ giảm 5-8%. Theo bà mức giảm như vậy đã hợp lý chưa?

Cước vận tải ra sao không chỉ phụ thuộc vào giá xăng, dầu. Trong thời gian qua có thể thấy cước vận tải phần lớn là để trả lương cho người lao động. Do vậy, muốn biết cước vận tải giảm 5 – 8% đã hợp lý hay chưa còn phải có các tính toán: bao nhiêu % là lương, bao nhiêu % giá xăng, dầu, bao nhiêu % chi phí khấu hao vận tải và những biến động giá của các thành phần tạo nên chi phí vận tải trong thời gian qua.

- Có nên bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá không thưa bà?

Tôi không nghĩ chúng ta nên bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá vì ngành vận tải là ngành kinh doanh, tự thu lợi nhuận. Nó không được trợ giá tí nào, sao có thể bắt nó vào danh mục bình ổn giá? Nói cách khác, muốn đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá thì phải có trợ giá.

- Với giá xăng dầu cao hiện nay chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lỗi ở đây chính là từ cơ quan quản lý. Bà có nghĩ vậy không?

Đúng là cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bởi họ nắm vai trò quan trọng trong việc cho tăng, cho giảm giá.

- Xin cảm ơn bà!

Trước tiên, về vấn đề “hụt thu ngân sách nhà nước, tác động kinh tế khi giá dầu giảm, cước vận tải” Hiệp hội không có ý kiến bình luận, bởi những nội dung trên đã được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu rõ ràng trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” vào tối Chủ nhật ngày 07/12 vừa qua.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới hai khía cạnh mà bài viết đề cập tới:

1 – Xăng, dầu hiện nay vẫn ở thế độc quyền, “bao cấp”
2 Xăng dầu ở Việt Nam giảm như thế là chưa đủ và giá xăng cao như hiện nay lỗi chính từ cơ quan quản lý.

Làm rõ hai nội dung trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có quan điểm như sau:

Thứ nhất: Tháng 9/2008, Nhà nước đã công bố chấm dứt bù giá và đưa giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp để bình ổn thị trường và đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Nhà nước ổn định nguồn thu – Người tiêu dùng được mua với mức giá hợp lý – Doanh nghiệp kinh doanh có tích lũy cho đầu tư phát triển. Vì vây, nói xăng dầu hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng “bao cấp” là không phản ánh đúng thực tế của thị trường.

Đối với ngành xăng dầu, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP cũ và nay được thay thế bởi Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu đã cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đủ điều kiện theo quy định được tham gia vào kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu (thay vì quy định chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được thực hiện như trong Nghị định số 55/2007/NĐ-CP). Hiện nay cả nước có tổng cộng 19 đầu mối tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ra, Nghị định 83 đã mở rộng thêm 2 thành phần trong hệ thống phân phối là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho thị trường xăng dầu nước ta hiện nay.

Thứ hai:Việc điều hành giá xăng dầu ở mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào thể chế chính trị, quản lý kinh tế, khả năng lọc hóa dầu.

Ở Việt Nam, việc điều hành giá xăng dầu không khác biệt nhiều so với thế giới, bởi giá trong nước được hình thành trên cơ sở tín hiệu của giá thế giới và xăng dầu là mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật giá và các quy định khác của Chính phủ. Do vậy cần có sự quản lý và điều hành giá theo quy định của Chính phủ; nghĩa là Nhà nước quyết định giá cơ sở, tần suất và biên độ điều chỉnh giá. Nghị định 83 quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày và tính giá bình quân là 15 ngày. Định kỳ mỗi lần tăng giảm giá, Liên Bộ đều đăng giá cơ sở và công văn điều hành giácông khaitrên website của hai Bộ.

Từ đầu năm tới nay, giá xăng đã giảm liên tiếp 11 lần với tổng giá trị 5.710 đ/lit; diesel giảm 18 lần với tổng giá trị 5.320 đ/l. Nếu so sánh giá xăng hiện tại 19.930 đ/l với giá xăng thời điểm cao nhất 25.640 đ/l vào tháng 7 năm 2014 thì giá xăng đã giảm 5.710 đ/l tương ứng với mức giảm 22,3%. Điều này cho thấy Liên bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của Nghị định 83.

Nguồn: