Quan điểm của VINPA về bài viết: “Xăng giảm 800 đồng/lít: Doanh nghiệp vẫn lãi to?”
04:31 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Tám, 2015

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nghiên cứu bài “Xăng giảm 800 đồng/lít: Doanh nghiệp vẫn lãi to?” của tác giả Vũ Lan đăng trên báo Đất Việt ngày 10/8/2015. Để có thêm thông tin nhiều chiều cho bạn đọc, chúng tôi xin được trao đổi nhằm làm rõ những nội dung mà báo Đất Việt đã nêu.

Xang giam 800 dong/lit:Doanh nghiep van lai to?

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đất Việt

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Nga cho biết “Tính toán một cách đơn giản thì khi giá xăng thế giới là 64 USD, thì việc giảm giá 816 đồng, các DN kinh doanh xăng dầu vẫn lãi khoản 900 đồng một lít. Trong khi giá thế giới giảm từ 64 USD còn 47 USD, nếu giảm theo đúng giá thế giới thì giá xăng ở VN hiện nay không quá 17 ngàn đồng một lít. Như vậy, giảm 816 đồng/lít là quá ít."

Hiệp hội xin khẳng định một lần nữa, căn cứ tính giá cơ sở xăng dầu tại nước ta hiện nay là giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày tại thị trường Singapore (giá Platts Singapore) chứ không phải dầu thô (dầu WTI, Brent). Từ đầu năm tới nay, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore chưa bao giờ xuống mức 47$/ thùng như ông Nga nêu. Mức giá xăng thành phẩm thấp nhất trong năm 2015 tính đến thời điểm này là 52.82$ (ngày 27/01/2015); cao nhất là $85.02/ thùng (ngày 10/6/2015).

Việc giá xăng dầu giảm sâu có lợi cho người tiêu dùng là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên giảm bao nhiêu lại phải dựa trên các quy định và phải được tính toán kỹ lưỡng, không thể nói thích giảm bao nhiêu cũng được hoặc giảm như vậy là quá ít.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Nga cũng chỉ ra điều bất hợp lý trong điều hành xăng dầu hiện nay “…Tại sao giá thế giới giảm mạnh mà các DN chỉ đợi đúng 15 ngày theo điều 38 của nghị định 83?...”

Nói như vậy thì oan cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng nên nhìn nhận công bằng với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam hoạt động theo sự chỉ đạo, điều hành của Liên Bộ Công Thương-Tài chính. Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83CP) và Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC (Thông tư LT số 39), Liên Bộ vẫn quản lý giá cơ sở và định kỳ 15 ngày sẽ có văn bản điều hành giá, các doanh nghiệp phải tuân thủ sự điều hành của Liên Bộ chứ không phải các doanh nghiệp đợi đúng 15 ngày mới giảm giá.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Nga “...kinh doanh xăng dầu không có khái niệm hàng tồn kho hoặc khó tiêu thụ. Lúc giá thế giới tăng thì lãi rất lớn do chênh lệch giá thế giới đã nhập thấp và bán theo giá thế giới đã lên cao…”

Xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt có tác động đến đầu vào của nhiều ngành kinh tế và tiêu dùng của người dân, do vậy nhu cầu tiêu dùng là thường xuyên và hiểu theo nghĩa như vậy thì không có khái niệm tồn kho. Tuy nhiên, khái niệm “tồn kho” đối với xăng dầu thể hiện ở việc các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ cung ứng trong thời gian 30 ngày theo quy định của Nhà nước. Còn việc lãi rất lớn do chênh lệch giá thế giới đã nhập thấp và bán theo giá xăng dầu đã lên cao thì việc này không thể xảy ra, vì Liên Bộ bao giờ cũng điều hành giá xăng dầu theo bình quân 15 ngày. Do vậy, có thời điểm giá thế giới lên cao nhưng giá trong nước không tăng hoặc tăng rất vừa phải.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Nga:“…Theo qui định của Bộ Tài chính thì mức chiết khấu cho các DN kinh doanh xăng dầu là khoảng 600 đồng. Việc các DN đầu mối tăng chiết khấu cho các đại lý vì pháp luật không cấm làm điều này. Tuy nhiên là quá cao so với mức bình quân là 600 đồng. Do vậy để ngăn cản các DN tăng mức chiết khẩu cần có chính sách trần chiết khấu.”

Theo Điều 5 Thông tư LT số 39,chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng là 1.050 đồng/lít trong đó không hề đề cập “mức chiết khấu cho các đại lý xăng dầu là khoảng 600 đồng.” Bởi vậy, số liệu và lập luận của ông Nga xung quanh mức chiết khấu 600 đồng này là không có cơ sở.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Nga: “Hiển nhiên sự câu kết của DN đầu mối và đại lý sẽ làm cho các “thượng đế” bị thiệt thòi và pháp luật phải làm cho sự thiệt của người tiêu dùng là tối thiểu. Đây là một lỗ hổng thể chế mà các DN kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu sử dụng nhằm gia tăng lợi nhuận và hướng thiệt thòi cho người dân.”

Ở đây phải khách quan nhìn nhận từ 2 phía:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Thời gian qua đã bám sát và điều hành giá xăng dầu đúng với quy định tại Nghị định 83CP và Thông tư LT số 39 với tinh thần hài hòa giữa 3 lợi ích: Nhà nước - Người tiêu dùng - Doanh nghiệp; mặt khác, Nghị định 83CP và Thông tư số 38/2014/TT-BCT cũng quy định rất rõ điều kiện đối với đại lý xăng dầu và trách nhiệm của từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với các đại lý xăng dầu. Do vậy, khó có thể nói đây là một lỗ hổng thể chế mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu sử dụng nhằm gia tăng lợi nhuận và hướng thiệt thòi cho người dân.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: có thể nói đây là chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp tại từng thời điểm. Thời điểm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ, khi đó hoa hồng đại lý cho các doanh nghiệp rất thấp, hầu hết các đại lý bị lỗ chi phí và cá đại lý cũng phải chia sẻ với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.Thời điểm gần đây giá thế giới giảm, các đại lý được hưởng hoa hồng cao hơn và có lãi; đây là thực tế.Mặt khác, các đại lý xăng dầu là khách hàng của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp tạo ra chính sách khách hàng hướng tới sự bền vững, hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro với nhau.Và cuối cùng là hạch toán chung của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong năm không vượt quá chi phí kinh doanh xăng dầu định mức đã được quy định tại Thông tư Liên tịch số 39.

Với cách đặt vấn đề trên thì “sự đồng thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và đại lý bán lẻ xăng dầu khiến người dân chịu thiệt” cũng cần phải được xem xét thấu tình đạt lý.

Nguồn: