Bóng ma 1986 ám ảnh các công ty khai thác dầu ở Mỹ
02:39 SA @ Thứ Năm - 27 Tháng Mười Một, 2014

Lần cuối cùng các thợ khoan dầu của nước Mỹ bị vướng vào một cuộc chiến tranh về giá mà “kẻ giật dây” là Saudi Arabia, nước Mỹ đã chịu phần thua thiệt.

Bóng ma 1986 ám ảnh các công ty khai thác dầu ở Mỹ

Năm 1986, Saudi Arabia “mở van” và khiến giá dầu giảm tới 67% sau 4 tháng, xuống dưới mức 15 USD/thùng. Ngành công nghiệp của Mỹ gần như sụp đổ, khiến hoạt động sản xuất suy giảm trong suốt gần 25 năm sau đó. Saudi Arabia cũng lấy lại được vị thế dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Bởi vậy, mặc dù không ai dự đoán rằng Saudi Arabia sẽ làm điều tương tự như trong quá khứ và các công ty khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ khiến hoàn cảnh hiện nay trở nên khác biệt, những ký ức từ thuở xa xưa vẫn được khắc sâu trong trí nhớ của các doanh nhân Mỹ trước thềm cuộc họp OPEC. Saudi Arabia sẽ gặp gỡ các lãnh đạo từ 11 nước khác thuộc OPEC ở Vienna và các chuyên gia phân tích đang có nhiều ý kiến trái chiều về động thái của quốc gia này. Liệu OPEC sẽ cắt giảm sản lượng để nâng giá hay vẫn giữ nguyên sản lượng nhằm giành giật thị phần với các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ?

Michael Lynch – Chủ tịch của công ty nghiên cứu Strategic Energy and Economic Research (Wakefield, Massachusetts), 1986 là thời điểm mà giá sụp đổ hoàn toàn và những người trong ngành không nghĩ rằng điều này sẽ lặp lại trong thời gian tới.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện đang chịu trách nhiệm về khoảng 40% sản lượng dầu mỏ của toàn thế giới. Trong tháng 10, OPEC sản xuất được gần 31 triệu thùng mỗi ngày, vượt mức mục tiêu chính thức 30 triệu thùng.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã chạm mốc thấp nhất 4 năm trong phiên hôm qua, xuống chỉ còn 73,93 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu thô biển Bắc – chỉ số cơ bản đo lường diễn biến của giá dầu thô trên toàn thế giới – giảm xuống còn 78,30 USD/thùng.

Saudi Arabia cũng không phải là nước đầu tiên hành động trong năm 1986. Vương quốc này vẫn luôn chuyển động hài hòa với thị trường thế giới, đẩy tăng sản lượng khi giá tăng và thu hẹp hoạt động sản xuất khi giá giảm. Năm 1985, sản lượng của quốc gia này sụt giảm từ mức hơn 9 triệu thùng/ngày của năm 1981 xuống chỉ còn 3,175 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, điều này khiến Saudi Arabia phải đối mặt với thâm hụt ngân sách.

Tháng 12/1985, Saudi Arabia tuyên bố ý định giành lại thị phần và giá dầu bắt đầu giảm, rơi xuống mức 10,42 USD/thùng vào tháng 3/1986. Tháng 11/1985, giá là 31,72 USD.

Đến tháng 12/1986, các nước OPEC đạt được thỏa thuận về sản xuất dầu mỏ và sự kiện này cũng mở ra thời kỳ các nhà sản xuất Mỹ bị thiệt hại. Tỷ lệ thất nghiệp ở Oklahoma tăng lên 8,9% và ở Texas lên tới 9,3% trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là 7%. Hoạt động sản xuất ở Oklahoma giảm 8,3% và ở Texas giảm 7,1% trong năm 1986.

Quá khứ cũng giúp giải thích tại sao các nhà sản xuất Mỹ lại đang đổ tội cho Saudi Arabia và OPEC. “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến với Saudi Arabia”, Scott Sheffield, CEO kiêm Chủ tịch của Pioneer Natural Resources Co. phát biểu hôm 5/11.

Tuy nhiên, Saudi Arabia không nghĩ như vậy. Bộ trưởng dầu mỏ Ali Al-Naimi phát biểu trong cuộc họp báo ở Mexico hôm 12/11 rằng nước này cam kết sẽ tìm cách giữ cho giá dầu ổn định và những đồn đoán về cuộc chiến giữa các nhà sản xuất dầu thô là “không có cơ sở thực tế”.
Theo khảo sát được Bloomberg thực hiện trên các công ty dầu mỏ và giới phân tích, kể từ tháng 6 các nước OPEC đã tăng sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày với các lực đẩy chính là Libya và Iraq. Phần đóng góp của Saudi chỉ là 80.000 thùng, trong khi các nhà sản xuất Mỹ “đóng góp” tới 621.000 thùng.

Tình trạng dư thừa nguồn cung không thể ngăn các công ty Mỹ khai thác dầu từ đá phiến. Các nhà sản xuất hàng đầu bao gồm Devon Energy Corp., Continental và Pioneer đang có kế hoạch tăng trưởng với tốc độ hai con số.

Liệu lần giảm giá này có gây thiệt hại to lớn như năm 1986 hay không còn phụ thuộc vào thời gian. Nhiều nhà sản xuất Mỹ đã mua các hợp đồng phái sinh để phòng vệ trong trường hợp giá giảm. Tuy nhiên, đối với một số công ty, biện pháp này chỉ có tác dụng đến 6 tháng đầu năm 2015.

Doanh thu sụt giảm có thể khiến một số công ty dễ bị tổn hại trước một đợt căng thẳng tín dụng. Số liệu thống kê cho thấy tổng nợ của 61 công ty dầu mỏ Mỹ niêm yết trên TTCK đã chạm mốc 199 tỷ USD trong quý III, tăng từ mức 184 tỷ USD của 1 năm trước.

Nguồn: