Đường ống dẫn dầu "khó tính" tới Triều Tiên
01:45 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Chín, 2017

Cung cấp tới 90% lượng dầu thô chảy vào Triều Tiên nhưng đường ống dẫn dầu xuất phát từ tỉnh Đan Đông - Trung Quốc lại tránh được lệnh trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Lý do khó có thể thực tế hơn: Một khi Trung Quốc đóng đường ống còn được gọi là Hữu Nghị này thì không dễ mở lại.

Nghị quyết được Washington mô tả là lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước đến giờ nhằm vào Triều Tiên gồm những biện pháp như cắt giảm hơn 55% các sản phẩm lọc dầu tới Bình Nhưỡng, áp trần nhập khẩu các sản phẩm lọc dầu của nước này ở mức 2 triệu thùng/năm, đồng thời giữ nguyên mức dầu thô cung cấp cho quốc gia bị cô lập nhất thế giới này.

Đáng chú ý, nghị quyết nói trên cũng chỉ rõ dầu thô đi qua đường ống Đan Đông - Sinuiji, đang cung cấp hơn nửa triệu tấn dầu thô tới Triều Tiên mỗi năm, được miễn (trừng phạt). Điều này châm ngòi cho những chỉ trích rằng nghị quyết trừng phạt chỉ mang tính nửa vời hay Bắc Kinh không sẵn sàng mạnh tay hơn nữa với Bình Nhưỡng.

Đường ống dẫn dầu khó tính tới Triều Tiên - Ảnh 1.

Nếu đóng đường ống dẫn dầu Đan Đông - Sinuiji thì mở lại rất tốn kém Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Tuy nhiên, theo lời ông Liu Ming, nhà phân tích các vấn đề Triều Tiên từ Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, các nhân tố kỹ thuật liên quan tới đường ống dài 30 km nói trên là có thật và không thể phớt lờ.

Ông giải thích: "Dầu thô vận chuyển qua đường ống Đan Đông - Sinuiji chứa tỉ lệ sáp cao. Nếu dòng chảy của dầu chậm hoặc ngừng lại, đường ống sẽ bị tắc nghẽn và sửa chữa sẽ cực kỳ tốn kém. Thậm chí, đường ống có thể hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được trong những tình huống xấu nhất".

Theo chuyên gia Justin Hastings tại Trường ĐH Sydney (Úc), chính sách của Bắc Kinh là đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán chứ không phải dồn vào chân tường.

"Sự miễn trừ như vậy sẽ giúp chế độ Triều Tiên sống sót. Quan trọng hơn, việc cấm nhập khẩu dầu thô vào Bình Nhưỡng nhưng lại chừa con đường từ Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh có nhiều đòn bẩy đối với Bình Nhưỡng trong trường hợp các nước khác tuân thủ nghiêm lệnh cấm" - vị chuyên gia này nhận định.

Trong khi đó, sau quá trình phân tích những dữ liệu từ vụ thử hạt nhân hôm 3-9 của Bình Nhưỡng, trang tin chuyên về Triều Tiên 38 North hôm 13-9 đánh giá vụ thử nghiệm có sức công phá khoảng 250 kiloton, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu.