Giá dầu thế giới leo dốc hơn 4%, tăng tuần thứ 3 liên tiếp
02:00 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Mười, 2017

Thị trường dầu thế giới diễn biến khởi sắc trong tuần, với giá dầu Brent lập đỉnh trong 2 phiên cuối tuần. Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 4,6%, giá dầu Brent leo dốc 4,7%, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Giá dầu Brent đạt mức cao nhất trong hai phiên cuối tuần, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng tái cân bằng cung-cầu trên thị trường toàn cầu.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 4,7%, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 4,6%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (23/10), giá dầu tăng nhẹ sau khi các số liệu về hoạt động khoan dầu ở Mỹ giảm trong tuần qua cũng như lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn ở khu vực Trung Đông.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 7 giàn xuống còn 736 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, mức thấp nhất kể từ tháng 6.

Giá Brent và ngọt nhẹ WTI đều tăng hơn 4% trong tuần qua.

Giá “vàng đen” đi lên trong phiên giao dịch ngày 24/10 do thị trường được hỗ trợ tích cực từ xuất khẩu từ miền nam Iraq đang sụt giảm và dự đoán kho dự trữ dầu thương mại của Mỹ sẽ tiếp tục giảm.

Theo thống kê, xuất khẩu dầu của Iraq, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trong Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), từ đầu tháng 10 đến nay đã giảm hơn 200.000 thùng dầu/ngày.

Trong ngày 25/10, giá dầu thế giới tiếp tục leo dốc, đạt mức cao nhất trong 1 tháng do quyết tâm giải quyết nạn dư thừa nguồn cung dầu thô của Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Giá dầu thế giới trong phiên này được hỗ trợ sau khi những bình luận mới đây của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi đã làm dấy lên khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác sẽ được gia hạn.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih ngày 24/10 phát biểu rằng trọng tâm của nỗ lực cân bằng thị trường dầu toàn cầu vẫn là giảm tồn kho dầu mỏ tại các nước công nghiệp phát triển xuống mức trung bình 5 năm và kéo dài thời gian thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sau thời điểm tháng 3/2018.

Sang phiên giao dịch ngày 26/10, giá dầu vẫn duy trì đà tăng, trong đó giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong 27 tháng, sau khi Ả Rập Saudi cam kết sẽ chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu.

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần (27/10), trong đó giá dầu Brent vượt mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 2 năm, còn giá dầu WTI lên cao nhất trong gần 8 tháng.

Giá dầu nhận được hỗ trợ nhờ dự đoán rằng các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC sẽ đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.

Kết thúc phiên giao dịch này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex cộng 1,26 USD (tương đương 2,4%) lên 53.90 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất trong gần 8 tháng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn tiến 1,14 USD (tương đương 1,9%) lên 60,44 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4.7%. Loại dầu này cũng đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Dự kiến OPEC sẽ tổ chức một cuộc họp chính thức tại Vienna vào ngày 30/11 tới.

Adrienne Murphy, Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định: “Nếu OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, thì sẽ có một sự thay đổi lớn trong thị trường dầu và có khả năng dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong năm 2019. Tuy nhiên, thị trường tỏ ra lo ngại rằng các nhà sản xuất dầu từ đá phiến sẽ gia tăng sản lượng tại mức giá 60 USD/thùng, qua đó tác động tiêu cực đến những nỗ lực của OPEC và Nga”.

Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 27/10 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 1 giàn lên 737 giàn. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần của số giàn khoan tại Mỹ.

Tuần này, giá dầu cũng đã được hỗ trợ tích cực nhờ dữ liệu cho thấy đà giảm mạnh của dự trữ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ và thông tin cho rằng Ả Rập Saudi và Nga, 2 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 sau khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3/2018.

Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý rằng sản lượng khai thác gia tăng tại Mỹ vẫn là một vấn đề đối với OPEC trong nỗ lực cắt giảm nguồn cung.

Thống kê cho thấy trong tuần trước sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 9,5 triệu thùng/ngày, trong khi lượng dầu xuất khẩu trung bình trong 4 tuần chạm mức kỷ lục mới với 1,7 triệu thùng/ngày.

Nguồn: