Kinh tế toàn cầu ra sao nếu giá dầu chạm mốc 100 đô la Mỹ?
08:25 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Năm, 2018

Nếu giá dầu thô tăng lên mốc 100 đô la Mỹ, nền kinh tế toàn cầu sẽ không bị tác động nhiều giống như trước đây vì nền kinh tế Mỹ đã có nhiều thay đổi.

Giá dầu đang trên đà tăng và có thể chạm mốc 100 đô la Mỹ/thùng vào năm 2019. Ảnh minh họa: Getty

Giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang củng cố đà tăng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và công bố kế hoạch tái trừng phạt nước này. Đó là một trong những lý do khiến Ngân hàng Mỹ (BoA) mới đây dự báo giá dầu Brent ở thị trường Luân Đôn (Anh) có thể chạm mốc 100 đô la/thùng vào năm 2019.

Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, giá dầu chạm mức ba con số chỉ làm GDP Mỹ bị mất khoảng 0,4 điểm phần trăm vào năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với số điểm phần trăm của GDP Mỹ bị hao hụt khi giá dầu lên mức trên 100 đô la vào năm 2011.

Có nhiều lý do khiến giá dầu cao không còn gây lo ngại nhiều cho kinh tế Mỹ như trước đây bao gồm: giá cả hàng hóa và dịch vụ nói chung trong nền kinh tế Mỹ đã tăng lên trong bảy năm qua, số năng lượng cần để sản xuất một đơn vị sản lượng kinh tế đã giảm và Mỹ cũng trở nên ít phụ thuộc vào dầu nhập khẩu nhờ ngành dầu đá phiến trong nước phát triển mạnh mẽ.

Tất cả những yếu tố đó cùng cộng hưởng, làm giảm tác động từ những cú sốc giá dầu đối với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và nhờ vậy mà, các nền kinh tế khác cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Các nhà kinh tế của bộ phận phân tích của Bloomberg cho rằng: “Giá dầu 100 đô la/thùng ngày nay sẽ không giống như thời điểm 2011. Khi nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành hành tốt, phần còn lại của thế giới cũng ít chịu ảnh hưởng, do vậy, GDP toàn cầu chỉ giảm 0,2% vào năm 2020 nếu giá dầu lên 100 đô la”.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng chỉ khi giá dầu lên mức 200 đô la/thùng, nền kinh tế toàn cầu mới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hôm 14-5, hãng tin CNBC cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu cao, từng được xem là một yếu tố tiêu cực nhưng giờ đây có thể đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ nền kinh tế Mỹ.

Việc Mỹ vươn lên trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới đã làm thay đổi các tính toán về mức ảnh hưởng của giá dầu đến nền kinh tế Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu tăng cao có thể không gây trì trệ nhiều cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng thế mạnh mới của Mỹ trong sản xuất dầu mỏ khiến cho giá dầu, nếu tiếp tục tăng, sẽ trở thành một lớp đệm để hỗ trợ tăng trưởng.

Giá dầu tăng sẽ khuyến khích các tập đoàn dầu khí Mỹ đẩy mạnh đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng ở các bang và khu vực sản xuất năng lượng của Mỹ. Giá dầu tăng sẽ không làm thâm hụt thương mại Mỹ tăng nhiều như trước vì giờ đây dù Mỹ vẫn đang nhập khẩu ròng năng lượng nhưng mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu ngày càng thu hẹp nhờ sản lượng dầu trong nước tăng lên 10,3 triệu thùng/ngày vào tháng 2-2018 so với mức 5 triệu thùng/ngày vào năm 2008.

Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ đạt đỉnh 12,5 triệu thùng/ngày vào năm 2005. Đến năm 2017, mức nhập khẩu ròng này đã giảm xuống còn 3,7 triệu thùng/ngày và tiếp tục giảm trong ba tháng đầu năm 2018.

Mỹ vẫn là nước nhập khẩu ròng dầu thô, khoảng 6 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây nhưng lại là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm lọc dầu (3 triệu thùng/ngày).

Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng J.P. Morgan Chase cho rằng, giá dầu quay trở lại mức trên 100 đô la/thùng có thể khiến người tiêu dùng Mỹ giảm chi tiêu, làm GDP Mỹ mất 0,2 điểm phần trăm nhưng ngược lại chi tiêu mạnh mẽ trong ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ giúp GDP Mỹ tăng 0,2 điểm phần trăm.

Trang tin Business Insider dẫn lời nhà phân tích Andrew Kenningham từ công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn đủ sức chống chọi khá tốt nếu giá dầu lên mức 100 đô la/thùng vào năm 2020.

Với mức giá dầu đó, lạm phát toàn cầu có thể tăng 0,5% và sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho các ngân hàng trung ương. Song Kenningham cho rằng các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu sẽ không thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất nếu giá dầu tăng cao vì họ tin rằng bất kỳ mức tăng mạnh nào của giá dầu chỉ là ngắn hạn và ít tác động đến giá cả.

Nguồn: