Năm 2014, Trung Quốc lập kỷ lục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga
01:56 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Giêng, 2015

Năm 2014, hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ khối OPEC của Trung Quốc đã giảm, còn lượng dầu mỏ nhập từ Nga đạt kỷ lục. Đây là một phần trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu của Trung Quốc.

Dẫn thông báo hôm 23/1 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hãng tin Nga RT cho hay trong năm 2014, thị phần dầu mỏ Ả Rập tại thị trường Trung Quốc đã giảm mất 8% và số lượng dầu mỏ nhập từ Venezuela cũng đã giảm mất 11% (dưới 20 triệu tấn). Tuy nhiên, thị phần dầu mỏ của Nga tại Trung Quốc đã tăng thêm 36% tương đương 665.000 thùng/ngày.

Song, Ả Rập Xê-út hiện vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc với con số 49,67 triệu tấn trong năm 2014 tương đương 997.000 thùng/ngày. Nhưng, số lượng xuất khẩu này lại là mức thấp nhất kể từ năm 2010 của Ả Rập Xê-út.

Ngoài ra, Nga cũng đã vượt qua Oman để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba sang Trung Quốc vào năm 2014. Trong đó, giá bán dầu thô của Nga cho Trung Quốc là 103 USD/thùng.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bắc Kinh và Tập đoàn dầu mỏ của Nga Rosneft được ký kết hồi năm 2013 có thể mở đường giúp Moscow trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất sang thị trường Trung Quốc vào năm 2018.

Trong đó, hoạt động vận chuyển dầu mỏ sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống dẫn Đông Siberia – Thái Bình Dương có thể tăng lượng cung cấp lên 20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2017.

Chia sẻ với Wall Street Journal, công ty nghiên cứu dầu mỏ Wood Mackenzie’s Sushant Gupta nhận định hoạt động vận chuyển dầu mỏ từ Nga sang Trung Quốc có thể vượt mức 50 triệu tấn/năm vào năm 2020.

“Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu thô. Trong khi, nhu cầu dầu mỏ tại nước này vẫn luôn tăng ổn định, việc nhập khẩu dầu mỏ từ các nhà cung cấp truyền thông sẽ được thay thế”, Gao Jian, nhà phân tích tại SCI International, công ty tư vấn năng lượng ở tỉnh Sơn Đông nhấn mạnh.

Hoạt động tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Nga cũng sẽ giúp Trung Quốc giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Đông, vốn hay bị gián đoạn do yếu tố thời tiết.

Nguồn: