Nauy sử dụng cá thay thế nhiên liệu hóa thạch
03:36 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Mười Một, 2018

Hãng tàu thủy Na Uy vừa tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng nhiên liệu khí sinh học làm từ cá, thức ăn thừa để cung cấp năng lượng cho các tàu du lịch.

Nhiên liệu sinh học - biogas đã được sử dụng làm nhiên liệu trong các bộ phận nhỏ của ngành giao thông vận tải bao gồm xe buýt, xe tải. Trong khi đó, Bắc Âu nói chung và Na Uy nói riêng được biết đến nơi có ngành thủy sản và lâm nghiệp lớn, tạo ra một lượng chất thải hữu cơ ổn định cần thiết để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Hãng tàu Hurtigruten - Na Uy cho biết các tàu của hãng sẽ sử dụng khí gas sinh học làm từ cá, thức ăn dư thừa cùng với các loại rác thải hữu cơ khác thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm lượng khí thải trên biển gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm biến đổi khí hậu.

Hãng tàu này sẽ trở thành nhà điều hành tàu biển đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu sinh học (LBG), nhiên liệu tái tạo được sản xuất từ cá và các chất hữu cơ khác. Hiện Hurtigruten đang vận hành đội tàu gồm 17 chiếc. Dự kiến đến năm 2021, hãng này sẽ chuyển sang sử dụng khí gas sinh học và khí tự nhiên hóa lỏng cho 6 tàu. Ngoài ra, các tàu cũng được trang bị các khối pin lớn có khả năng tích trữ năng lượng sạch.

Nauy sử dụng cá thay thế nhiên liệu hóa thạch ảnh 1

Hãng tàu Hurtigruten dự kiến sẽ sử dụng khí gas sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Daniel Skjeldam - Giám đốc điều hành của Hurtigruten cho biết “Na Uy là một quốc gia vận tải lớn, nhưng ngành thủy sản và lâm nghiệp cũng có quy mô không nhỏ. Các ngành này tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, nhưng cũng sản sinh rất nhiều chất thải. Nếu biết cách xử lý khối lượng lớn chất thải hữu cơ này sẽ giúp mang lại cho các nước Bắc Âu vị thế độc nhất trên thị trường khí sinh học. Chúng tôi đang thúc đẩy việc đổi mới và đầu tư nhiều hơn. Tôi tin rằng đây là khởi đầu cho một ngành công nghiệp lớn trong vài năm tới”. Ông

Daniel cũng cho biết thêm, sử dụng năng lượng bền vững có thể giúp giảm nhẹ vấn đề kép Na Uy đang phải đối mặt, đó là biến đổi khí hậu và tình trạng thất nghiệp trong ngành dầu khí.

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho các phương tiện vận tải đường biển đang gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn các phương tiện đường bộ, bởi lượng khí thải từ tàu thuyền ra môi trường có chứa lưu huỳnh và nhiều chất độc hại khác, gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu. Các tàu du lịch lớn nhất thế giới có thể xả thải lượng khí ô nhiễm tương đương với hàng triệu chiếc xe ô tô. Vì vậy, sử dụng khí gas sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp làm giảm các chất gây ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính.

Tổ chức tư vấn công nghiệp Energi Norge vừa công bố chương trình năng lượng xanh và cho biết, có thể Na Uy sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch từ năm 2050. Trong số các quốc gia châu Âu, Na Uy là nước hành động sớm nhất trong việc đưa ra các chính sách, thúc đẩy các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề phát thải. Ngoài việc sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, quốc gia này đang nhắm đến việc cấm bán mọi phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, Na Uy cũng công bố kế hoạch thực thi một hệ thống thuế “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm khuyến khích người dân mua các loại xe thấp và không phát thải. Đến năm 2025, nước này sẽ hoàn toàn cấm xe chạy bằng xăng và chỉ cho phép bán 100% xe điện hoặc xe hybrid. Để đạt được các phương tiện không phát thải, bất kỳ chiếc xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch nào đã được bán trước khi lệnh cấm sẽ phải chuyển sang xe hybrid lai hoặc nhiên liệu sinh học.

Nguồn: