Nga tập trận bảo vệ khu vực thăm dò tại Bắc Cực
02:26 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Tám, 2015

Moscow đã bắt đầu một cuộc tập trận quân sự tại Bắc Cực, bảo vệ các khu vực được lựa chọn để thăm dò, kiểm tra trữ lượng khí đốt và khoáng sản bên dưới lớp băng. Trong hai tuần, khoảng 1.000 binh sĩ, 14 máy bay chiến đấu và 34 xe quân sự đặc biệt đã được triển khai cho cuộc tập trận ở miền Bắc Siberia.

Tap tran o Bac cucTheo Ibtimes, Nga dường như đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động khoan thăm dò tại Bắc Cực, do đó, cuộc tập trận được tiến hành với mục đích bảo vệ các hệ thống khoan của nước này bên trong khu vực. Quân đội Nga sẽ huy động khoảng 1.000 binh sĩ, 14 xe tăng và 34 xe quân sự chuyên dụng tại Bắc Cực cho kế hoạch của mình.

Cuộc tập trận được tiến hành một tuần sau khi Nga yêu cầu Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền của nước này đối với 1,2 triệu cây số vuông tại Bắc Cực, hãng tin Defense News cung cấp. Tuy nhiên, theo tuyên bố từ điện Kremlin, cuộc tập trận là một hoạt động nằm trong kế hoạch phòng thủ của đất nước, và không tạo ra mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào.

“Cuộc diễn tập là nhằm đảm bảo các hoạt động an ninh của Nga tại Bắc Cực, đảm bảo quyền tự do tiến hành hoạt động kinh tế của nhà nước bên trong khu vực và bảo vệ lãnh thổ. Mục tiêu của chúng tôi là chống lại những mối đe dọa tiềm năng”, Vladimir Korolyov, Tư lệnh Hạm đội phương Bắc cho biết, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng.

Ông Korolyov cũng khẳng định rằng kế hoạch của quân đội là “hoàn toàn mang tính chất phòng thủ” và không có ý định chống lại một quốc gia cụ thể nào. Trước đó, Nga từng tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự tương tự, khi chính sách phát triển mới của Moscow bắt đầu chú ý đến khu vực này.

Một khi các tảng băng ở Bắc Cực tan chảy, trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt và nhiều loại khoáng sản khác, sẽ có khả năng được khai thác. Điều này đem lại nguồn lợi lớn cho bất cứ quốc gia nào có chủ quyền tại Bắc Cực. Do đó, Nga đã tăng cường nhiều hoạt động quân sự tại khu vực này trong thời gian gần đây. Một số kế hoạch phát triển cũng được triển khai, trong đó nổi bật là chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng các trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Moscow.

Mỹ cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền tại một số khu vực ở Bắc Cực. Chính quyền Tổng thống Obama trong tháng 5.2015, đã thông qua các quy định cho phép Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell tiến hành hoạt động thăm dò ở Bắc Cực. Điều này được coi là thắng lợi lớn đối với Royal Dutch Shell, nhưng gặp phải sự phản đối từ các nhà môi trường.

Một số nhà phân tích cho rằng, ngoài trữ lượng về khí đốt và khoáng sản, một nguồn lợi tiềm năng khác từ Bắc Cực là tuyến đường thương mại khi băng tan chảy. Theo nhận định, tuyến đường thương mại tại khu vực này nếu được hình thành, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước trong khu vực, đặc biệt là trong hoạt động giao thông và du lịch.
Do đó, Bắc Cực nhiều khả năng sẽ trở thành “mỏ vàng” cho một số quốc gia trong tương lai.

Nguồn: