Saudi Arabia ‘động binh’ cho một cuộc chiến dầu mỏ
01:41 SA @ Thứ Tư - 22 Tháng Mười, 2014

Saudi Arabia đã đưa ra lời tuyên chiến trên mặt trận kinh tế với một số nhà sản xuất dầu mỏ. Chiến lược này che giấu chương trình nghị sự thật sự của Nhà Saud, gia tộc nắm quyền cai trị Saudi Arabia. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu Saudi Arabia có thể thành công với những toan tính của mình?

Một tàu chở dầu tại cảng ở thành phố Duba phía tây bắc Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Saudi Arabia khẳng định quốc gia này sẽ vẫn “vận hành suôn sẻ” với mức giá dầu mỏ là 90 USD một thùng, và giảm xuống còn 80 USD trong hai năm tiếp theo, thậm chí là 50 USD và 60 USD cho các khách hàng châu Á và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc của công ty dầu mỏ Rosneft của Nga Mikhail Leontyev đánh giá: “Giá cả có thể trở nên hấp dẫn… Saudi Arabia đã bắt đầu đại hạ giá dầu mỏ. Đây là một sự thao túng chính trị, và Saudi Arabia đang bị cuốn vào hành động có thể có một cái kết không có hậu”.

Sở dĩ giá dầu Brent giảm xuống dưới mức 90 USD một thùng là bởi vì nhịp độ phát triển kinh tế của Trung Quốc, và châu Á nói chung, đang chậm lại, dù sự chậm lại này không diễn ra nhanh như ở phương Tây.

Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là từ hai quốc gia Saudi Arabia và Kuwait, ngay cả khi trên thị trường đã hầu như vắng bóng sản phẩm của Libya và Syrira còn Iran thì bị buộc phải cắt giảm xuất khẩu còn 1 triệu thùng một ngày vì cuộc chiến kinh tế mang tên cấm vận từ Mỹ.

Việc gia tộc Saud đang áp dụng một “chiến dịch giá săn mồi ở cấp độ cao”, chung quy là để hạn chế thị phần của các đối thủ trong trung và dài hạn. Ít nhất về mặt lý thuyết, điều này có thể khiến các tay chơi khác, từ Mỹ cho đến các nhà sản xuất dầu nặng như Iran và Venezuela, trở nên khốn đốn vì không có lợi nhuận. Tuy nhiên mục tiêu chính được nhắm đến và không thể bị lầm tưởng trong chiến lược này của Saudi Arabia, lại là Nga.

Một chiến lược đồng thời làm tổn thương Iran, Iraq, Venezuela, Ecuador và Nga không thể tránh khỏi việc bị xem là một trò chơi quyền lực, như theo cái cách mà Washington đã có một thỏa thuận với Riyadh, bóng gió rằng việc không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chỉ là khúc dạo đầu cho việc đánh bom lực lượng của Tổng thống Syria al-Assad. Đổi lại, Saudi Arabia sẽ bóp giá dầu để làm suy yếu các đối thủ. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.

Bên ngoài tầm kiểm soát của Saudi Arabia

Ngân sách quốc gia năm 2015 của Nga đòi hỏi giá dầu mỏ ít nhất phải ở mức 100 USD một thùng. Thế nhưng, trong năm 2015, Điện Kremlin dự tính không vay quá 7 tỉ USD từ “các nhà đầu tư nước ngoài” thường lệ, cộng với 27,2 tỷ USD trong nước. Do vậy, khó có thể xảy ra một cơn địa chấn kinh tế.

Bên cạnh đó, dù đồng ruble đã giảm giá trên 14% so với đồng USD kể từ hồi tháng 7 nhưng tình trạng rớt giá này cũng diễn ra với các đồng tiền của các thành viên chủ chốt trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), với đồng real của Brazil giảm 7,8%, đồng rupee của Ấn Độ 1,6%. Không giống như thời kì của Tổng thống Yeltsin, nước Nga không nghèo túng. Quốc gia này nắm giữ ít nhất 455 tỷ USD dự trữ nước ngoài.

Một yếu tố khác cần được xét đến là mục tiêu mà gia tộc Saud nhắm đến: thế chân Nga, trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Liên minh châu Âu (EU), chỉ là một giấc mộng xa vời. Bởi chuyện chỉ có thể xảy ra khi các nhà máy lọc dầu EU được thay đổi để có thể sử dụng loại dầu nhẹ của Saudi Arabia, việc sẽ ngốn cả một gia tài.

Một cơ sở của công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco gần khu vực giàu dầu mỏ Al-Khurais. Ảnh: AFP

Về mặt địa chính trị, chuyện càng trở nên thú vị hơn khi xem trung tâm của chiến lược của gia tộc Saud là đánh vào Washington vì không giữ được lời hứa “Assad phải ra đi”, cũng như không đáp ứng được điều ám ảnh những nhà tân bảo thủ là đánh bom Iran.

Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên xấu đi (với Saudi Arabia) vì thứ nhất, Washington – ít nhất là vào thời điểm hiện tại – có vẻ như tập trung nhiều hơn vào việc lật đổ thủ lĩnh Ibrahim của cái gọi là nhà nước “Caliph” chứ không phải là ông Assad. Thứ hai, chính quyền Obama có thể đang ngấp nghé trước ngưỡng cửa của việc ký một thỏa thuận hạt nhân với Tehran trong chương trình đàm phán với nhóm P5+1 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/11.

Trên mặt trận năng lượng, cơn ác mộng kinh hoàng nhất của gia tộc Saud sẽ là việc cả Iran và Iraq sớm có khả năng chiếm lấy vị thế của Saudi Arabia để chuyển hướng trở thành những nhà sản xuất dầu mỏ quan trọng trên thế giới. Thế cho nên, Saudi Arabia nóng lòng tước đi khoản thu nhập cần thiết từ dầu mỏ của cả hai đối thủ này. Kế hoạch kìm hãm của Saudi Arabia có thể thành công bởi việc bị cấm vận đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Tehran. Dù vậy, Tehran vẫn luôn có thể bù đắp lại nhờ tăng bán gas cho châu Á.

Nói tóm lại, tại Saudi Arabia có một gia tộc Saud bị chỉ trích, và tin rằng có thể buộc Moskva thôi ủng hộ Damascus, và Washington chấm dứt một thỏa thuận với Tehran. Thứ công cụ được sử dụng để thực hiện hai nhiệm vụ trên là bán dầu dưới mức giá giao ngay trung bình, hành động được đánh giá là phảng phất “mùi tuyệt vọng”.

Bên cạnh đó, điều này cũng có thể được hiểu là gia tộc Saud đang run rẩy, nếu không phải là ngầm phá hoại, liên minh chưa xác định được phương hướng trong trong chiến dịch chống lại những kẻ khủng bố của Ibrahim.

Nguồn: