Sudan dọa đóng đường ống dẫn dầu của Nam Sudan
04:47 SA @ Thứ Tư - 29 Tháng Năm, 2013


Toàn cảnh cơ sở khai thác dầu tại giếng dầu Thar Jath ở Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ngày 27/5 dọa sẽ đóng cửa tuyến đường ống xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan qua lãnh thổ nước này nếu Juba tiếp tục ủng hộ các tay súng thuộc Mặt trận Cách mạng Sudan (SRF), liên minh gồm ba nhóm nổi dậy.

Phát biểu tại Khartoum sau khi tuyên bố giành lại thị trấn chiến lược Abu Karshula ở Nam Kordofan từ tay của lực lượng nổi dậy SRF, Tổng thống Bashir khẳng định: “Sudan sẽ đóng cửa vĩnh viễn các đường ống dẫn dầu, nếu Nam Sudan còn dành bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với các tổ chức, các tay súng tại Darfur, Nam Kordofan và Nile Xanh."

Theo ông Bashir, Sudan và Nam Sudan cần tuân thủ chín thỏa thuận mà hai bên đã đạt được và bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ thủ tiêu các thỏa thuận trên.

Khartoum và Juba đã nhất trí nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan thông qua các đường ống dẫn dầu của Sudan như một phần của việc thực thi các thỏa thuận hợp tác, được ký tại Addis Ababa của Ethiopia hồi năm 2012. 

Trong cuộc đàm phán tại Ethiopia cuối tháng Ba vừa qua, hai nước đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cũng như thực hiện tám thỏa thuận quan trọng khác. 

Hôm 7/5 vừa qua, lô dầu thô xuất khẩu đầu tiên của Nam Sudan đã tới mỏ dầu Heglig của Sudan. Mỏ dầu này, nằm dọc đường biên giới tranh chấp giữa hai bên, có tuyến đường ống dài 1.500km tới cảng Port Sudan bên bờ Biển Đỏ.

Nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ được khôi phục bình thường, mỗi ngày sẽ có từ 250.000 đến 350.000 thùng dầu được bơm từ Nam Sudan qua Sudan, đem lại hàng tỷ USD doanh thu cho hai quốc gia đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế này.

Tuy nhiên, lâu nay Khartoum vẫn cáo buộc Nam Sudan huận thuẫn phiến phân tại Darfur, Nam Kordofan và Nile Xanh, điều mà Juba luôn bác bỏ.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Sudan Bashir tuyên bố chính quyền Khartoum sẽ không đàm phán với SRF cũng như không công nhận ba nhóm nổi dậy thuộc lực lượng này gồm Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan-Bắc (SPLM), Phong trào Công lý và Bình đẳng (JEM) và Quân đội Tự do Sudan (SLA)./. 

Theo TTXVN