Syria phải nhập khẩu 90% xăng dầu
02:33 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười Một, 2018

Mỗi tháng, Syria phải nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Iran do thiếu hụt dầu mỏ và các sản phẩm xăng dầu, theo thông báo ngày 31/10 của Tổng giám đốc Công ty nhiên liệu quốc gia, M. Hasvia.

syria phai nhap khau 90 xang dau

Một cơ sở chế biến dầu của Syria

Bộ Dầu mỏ Syria có một hạn mức tín dụng với Iran, dầu được cung cấp thông qua hạn mức này với sự giúp đỡ của 2 tàu chở dầu, mỗi tàu chở 1 triệu thùng hàng tháng, sau đó được chế biến tại các nhà máy lọc dầu của Syria.

Ông M. Hasvia nói thêm rằng Bộ cũng đôi khi phải mua dầu thô và xăng dầu thông qua các công ty tư nhân.

Tình hình nhiên liệu nói riêng và năng lượng nói chung bắt đầu trở nên khó khăn, phức tạp kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị quân sự ở Syria vào năm 2011.

Vào tháng 2/2018, Nga đã ký một lộ trình hợp tác năng lượng với Syria. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga A. Novak lưu ý rằng quá trình hợp tác bao gồm việc thực hiện từng giai đoạn của các dự án trong lĩnh vực thăm dò địa chất, sản xuất dầu khí, cũng như phục hồi cơ sở hạ tầng dầu khí.

Nhìn chung, Syria đang dựa vào sự giúp đỡ của Nga. Muốn đạt được sự phục hồi của ngành dầu khí, Syria sẽ phải thực hiện nhiều công việc to lớn, vì nước cộng hòa này đã phải chịu đựng mất mát rất nhiều từ các cuộc xung đột quân sự với phe nổi dậy và với các lực lượng IS.

Theo dự báo của chính phủ Syria, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này sẽ có thể đạt được các chỉ số trước chiến tranh không sớm hơn năm 2023. Đây là một dự báo rất lạc quan.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự cho đến tháng 10/2017, sản xuất dầu ở Syria đã giảm 24 lần (từ 385 nghìn thùng/ngày xuống 16 nghìn thùng/ngày). Sản lượng khí giảm 1,6 lần (từ 21 triệu m3/ngày xuống còn 13,5 triệu m3/ngày).

Iran vốn đã hỗ trợ B. Assad trong cuộc xung đột kéo dài, giờ đây cũng sẽ giúp Syria khôi phục lại ngành năng lượng.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và khôi phục nguồn cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp Syria, Iran dự định xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở thành phố Latakia vào năm 2019.

Nguồn: