Toan tính của Trung Quốc ở Venezuela
02:12 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười, 2015

Theo một cam kết năm 2007 với ông Hugo Chávez, Venezuela được vay từ Trung Quốc gói 5 tỷ USD đổi lấy dầu. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng hầu như Trung Quốc không có lợi lộc kinh tế gì từ thỏa thuận này.

Toan tính của Trung Quốc ở Venezuela

Ngồi trước tấm chân dung màu nước phóng to của cựu Tổng thống Hugo Chávez, Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro thông báo về khoản vay 5 tỷ USD mới từ Trung Quốc trong chương trình "Trò chuyện với Maduro" được phát sóng hàng tuần. Trong chương trình kéo dài 2 tiếng, ông thông báo tóm tắt rằng thỏa thuận đã được ký.

Thỏa thuận này bắt nguồn từ một cam kết năm 2007 giữa Trung Quốc và ông Hugo Chávez, cho phép Venezuela vay từ Trung Quốc gói 5 tỷ USD đổi lấy dầu. Giới phân tích cho rằng hầu như Trung Quốc không có lợi lộc kinh tế gì từ thỏa thuận này. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Dầu nhập khẩu đang được chứa ở kho dự trữ khẩn cấp chứ không được tiêu thụ, trong khi thị trường thế giới đang ngập trong loại nhiên liệu ấy. Bản thân ông Maduro cũng đang không ngừng thúc giục các đối tác Venezuela trong OPEC giảm sản xuất nhằm ngăn chặn sự trượt giá.

Nếu thỏa thuận này có triển vọng gì cho Trung Quốc thì có chăng là lợi ích cho các công ty nhận hợp đồng với Venezuela như một điều kiện để đổi lấy tài chính cho các dự án của họ. Nếu họ không có lãi, như rất nhiều vụ đầu tư dầu hiện nay, chính phủ nước đang phát triển sẽ “lên thớt” chứ không phải các công ty Trung Quốc. Như vậy, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc có thể cho vay tiền để kích thích các công ty trong nước mà không cần bất kỳ ai ở Trung Quốc gánh rủi ro.

Tuy nhiên, mô hình này có vẻ không phù hợp với Venezuela, đất nước đang trên bờ vực vỡ nợ. Yu Yongding, một giáo sư của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã lên tiếng chỉ trích mô hình cho các quốc gia có nhiều rủi ro vay tiền của chính phủ Trung Quốc. Venezuela có thể sẽ là nơi đầu tiên lời cảnh báo này trở thành hiện thực. Khoảng cho vay 56,3 tỷ USD của Trung Quốc đã "chìm xuồng" khi nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng từ năm 2007. Một khoản vay đổi dầu sẽ không thể cứu vãn được kho bạc Venezuela bởi chính phủ cần các khoản tiền mặt ngắn hạn để chi trả lương, an sinh xã hội, và nhập khẩu, hơn là đầu tư dài hạn nhằm nâng cấp giàn khoan dầu.

Vì khoản vay sẽ được hoàn trả bằng dầu, nó không cần được quốc hội Venezuela phê chuẩn (vì nó không được chính thức tính là khoản nợ). Về mặt lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc chính phủ không cần lý giải việc họ chi tiêu cho công dân như thế nào, mặc dù Trung Quốc kỳ vọng tiền này được đầu tư vào dầu. Trung Quốc sẽ được trả đầu tiên trên thang nợ, trước các chủ nợ khác.

“Trung Quốc muốn giảm rủi ro, nhưng giờ họ lại có một con nghiện nợ đeo bám,” Ricardo Hausmann, giáo sư kinh tế của đại học Harvard, đồng thời nguyên là bộ trưởng bộ kế hoạch của Venezuela giải thích. Thực ra, khó lòng khước từ bạn bè khi họ đang ở trong phòng khách nhà bạn; tổng thống Venezuela đã ở thăm Bắc Kinh cho cuộc diễu hành quân sự lớn diễn ra vào ngày 3/9, cùng với rất nhiều lãnh đạo trên thế giới. Quyền lực mềm là lý do xác đáng nhất để giải thích cho điều này. Venezuela vẫn là một phần thưởng địa chính trị đáng để đấu tranh.

Nguồn: