Trung Quốc nói sẽ đưa giàn khoan trở lại vì đã đánh hơi thấy mùi dầu
11:00 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Bảy, 2014

Trung Quốc đang di chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau 73 ngày hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, các quan chức dầu khí Trung Quốc vẫn thể hiện tham vọng khai thác nguồn dầu mỏ dưới đáy thềm lục địa Việt Nam.

China National Petroleum Corp (CNPC), một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Trung Quốc, hôm 15.7 ra tuyên bố hoàn thành việc khoan và thăm dò (phi pháp) ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Họ gọi việc thăm dò này là Dự án Zhongjiannan và cho biết đã phát hiện ra dấu hiệu của dầu khí . Công ty tuyên bố sẽ đánh giá các dữ liệu thu thập được và nhấn mạnh sẽ căn cứ vào đó để thực hiện quyết định các bước tiếp theo.

Tuyên bố này được CNPC đưa lên trang chủ và được nhiều báo Trung Quốc dẫn lại.
Tạm thời, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 được đưa về khu vực ngoài khơi huyện Lăng Thủy, phía nam đảo Hải Nam để hoạt động trong một dự án tiếp theo. Việc neo đậu ở nơi gần bờ cho thấy TQ bắt đầu sợ bão biển Đông.

Điểm đỏ là vị trí của huyện Lăng Thủy (Lingshui) trên bản đồ

Ông Qiu Zhongjian, một nhà địa chất học từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng, công việc khoan (phi pháp) đã được tổ chức tốt và trong quá trình này, CNPC đã xem xét đầy đủ các mối nguy hiểm địa chất, các vấn đề kỹ thuật và cả thời tiết như bão.

Phân tích sơ bộ các dữ liệu địa chất thu được đã chỉ ra rằng khu vực có những điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí. Thế nhưng, khai thác thử nghiệm không thể bắt đầu trước khi đánh giá dữ liệu toàn diện, ông Wang Zhen, Phó Giám đốc CNPC của Văn phòng nghiên cứu chính sách cho biết .

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã cho biết vì lý do an toàn, các hoạt động thử nghiệm đã không được lên lịch ngay lập tức, bởi vì tháng bảy là bắt đầu mùa mưa bão.

Cần nhớ trước đó Trung Quốc tuyên bố hạ đặt giàn khoan đến tận giữa tháng 8 chứ không phải giữa tháng 7. Nhưng do sợ mùa mưa bão hoặc do áp lực từ thế giới nên họ đành phải rút về sớm 1 tháng mà không đưa ra lời giải thích vì sao rút ngắn lịch trình.
Do vậy, các nước trong khu vực và quốc tế cần phải tiếp tục cảnh giác với các động thái tiếp theo của Trung Quốc tại biển Đông vì họ đã dọa "sẽ có quyết định tiếp" sau khi "đánh hơi thấy mùi dầu".

Nguồn: