Úc - Cường quốc dầu lửa tương lai
03:21 SA @ Thứ Năm - 16 Tháng Năm, 2013

Một lượng dầu khí khổng lồ đã được phát hiện tại khu lòng chảo Arckaringa, vùng Coober Pedy (Nam Úc) có trữ lượng lên đến 233 tỷ thùng.

Như vậy, cộng với trữ lượng đã biết hiện nay (khoảng 4,5 tỷ thùng), Úc đã sánh vai về trữ lượng với các cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arbia với 262 tỷ thùng, cao hơn nước thứ nhì hiện nay là Iraq với 132 tỷ thùng.

Tuy nhiên, lượng dầu lửa của Úc lại nằm trong các mạch đá phiến, sâu dưới lòng đất nên gọi là dầu đá phiến (shale oil). Hiện nay Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng khai thác loại dầu lửa này nhờ vào kỹ nghệ khai thác tiên tiến nhưng rất tốn kém. Đó là cách khoan dọc và khoan ngang vào các phiến đá, rồi bơm nước tạo áp suất để lấy dầu. Cách khai thác này có nhược điểm là thời gian khai thác ngắn, thường chỉ sau 1 năm lượng khai thác dầu sụt giảm đến 80%. Chính vì số lượng mũi khoan nhiều, cộng với việc khoan ngang dài hàng cây số sẽ gây hủy hoại môi trường. Chính vì thế, tại châu Âu, do không còn không gian rộng như Hoa Kỳ hay Úc, phương pháp khai thác đá phiến không thể tiến hành, dù có trữ lượng.

Nhờ việc gia tăng với tốc độ chóng mặt việc khai thác dầu đá phiến, dự kiến Hoa Kỳ sẽ tự túc được dầu lửa trước năm 2030, điều này càng làm cho vị thế đầu tàu kinh tế thế giới của nước này thêm vững vàng. Có nhiều hy vọng Úc sẽ là nước tiếp bước trong việc khai thác dầu đá phiến.

Bộ trưởng Tài nguyên Nam Úc Tom Khoutsantonis cho hay, ngành kỹ nghệ khai mỏ Nam Úc đang đứng trước cơ hội lớn. Công ty năng lượng Linc Energy, trụ sở tại Brisbane, đã bắt tay vào giai đoạn thăm dò với mức đầu tư ban đầu 120 triệu đô la Úc (130 triệu USD) để khoan 4 mũi sâu, 10 mũi nông, sau đó tiếp tục đầu tư 300 triệu đô la Úc để khoan ngang 6 mũi. Giám đốc công ty - ông Michael Bond tin tưởng vùng đất Coober Pedy của Nam Úc sẽ trở thành một địa chỉ nổi tiếng của ngành dầu lửa nước này.

Bên cạnh đó, Công ty Altona Energy của Anh cũng sẽ bỏ ra 3 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy điện chạy bằng than lỏng tại Nam Úc với công suất 500 megawatt.

Ngọc Quang
Theo Baocongthuong