Vũ khí dầu trong cuộc chiến toàn cầu của Mỹ-Kỳ 2: Kiềm chế Iran
01:54 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2014

Washington vẫn sử dụng "vũ khí dầu" đối với hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới: Iran và Nga, bao gồm lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại, phản ánh niềm tin của Nhà Trắng rằng, Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình.

Trong trường hợp của Iran, Washington đã có những động thái tích cực để ngăn chặn Tehran phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi bằng cách không cho nước này tiếp cận với công nghệ khoan dầu phương Tây và hạn chế xuất khẩu của họ. Theo Đạo luật trừng phạt Iran, các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp dầu của Iran sẽ bị cấm không được tiếp cận với thị trường tài chính Mỹ và chịu các hình phạt khác. Ngoài ra, chính quyền Obama đã gây áp lực đáng kể đối với các nước nhập khẩu dầu lớn, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các cường quốc châu Âu, để giảm hoặc loại bỏ việc mua dầu của họ từ Iran.

Những biện pháp này, trong đó liên quan đến việc hạn chế một cách cứng rắn những giao dịch tài chính liên quan đến xuất khẩu dầu của Iran, đã có một tác động đáng kể đến sản lượng dầu của nước này. Theo ước tính, sản lượng xuất khẩu đã giảm một triệu thùng mỗi ngày, dẫn đến sự suy giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu. Kết quả là, thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu ước tính đã giảm từ 118 tỷ USD năm 2011-2012 xuống 56 tỷ USD trong năm 2013-2014.

Mỹ sử dụng vũ khí dầu như là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong thời gian trước đó, khi nguồn cung dầu toàn cầu còn gặp khó khăn, việc giảm 1 triệu thùng/ngày có thể gây ra tình trạng khan hiếm và nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền Obama cho rằng chỉ có Iran là bị ảnh hưởng trong tình hình hiện nay. Điều này chủ yếu dựa vào việc sản xuất năng lượng ở Bắc Mỹ (cơ bản đạt được thông qua việc sử dụng công nghệ khoan ngang để trích xuất dầu và khí tự nhiên từ các mỏ đá phiến sét) và sự gia tăng sản lượng dầu thô từ các nguồn không thuộc khối OPEC khác.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE), sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng từ 5,7 triệu thùng mỗi ngày trong 2011 lên 8,4 triệu thùng trong quý II/2014, tương đương tăng 47%. Và điều này có nghĩa đây không phải là sự thành công đột ngột nhưng nhất thời. DoE dự đoán rằng sản lượng của Mỹ sẽ tăng lên đến 9,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020, đưa nước Mỹ trở thành một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới.

Đối với chính quyền Obama, các biện pháp trên rõ ràng là có hiệu quả. Không chỉ sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu được giảm đáng kể, mà các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có thể đáp ứng nhu cầu của họ ngay cả khi sản lượng dầu của Iran tiếp tục giảm. Kết quả là, Washington có thể để đảm bảo sự hợp tác lớn hơn từ các nước trên thế giới trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran - một điều mà họ sẽ không phải do dự hay miễn cưỡng làm nếu nguồn cung năng lượng toàn cầu bị hạn chế.

Có một yếu tố khác, không kém phần quan trọng, trong việc tích cực sử dụng vũ khí dầu như là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự gia tăng sản lượng dầu thô trong nước đã khiến cho các nhà lãnh đạo Mỹ dường như có một cảm giác mới về "quyền tuyệt đối" đối với vấn đề năng lượng, cho phép họ đứng ngoài “chiêm ngưỡng” sự suy giảm xuất khẩu dầu của Iran mà không cần lo lắng.

Trong một bài phát biểu vào tháng 4/2013 tại Đại học Columbia, ông Tom Donilon, sau này trở thành Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, công khai bày tỏ quan điểm này. Ông thú nhận: "Vị thế mới trong vấn đề năng lượng của Mỹ cho phép chúng ta can dự dựa trên sức mạnh lớn hơn. Nguồn cung năng lượng ngày càng tăng của Mỹ đóng vai trò như một tấm đệm giúp làm giảm sự tổn thương đối với chúng ta trước việc nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn và các cú sốc về giá cả. Nó cũng là một công cụ mạnh mẽ để chúng ta theo đuổi và thực hiện các mục tiêu an ninh quốc gia".

“Công cụ mạnh mẽ” này đã được phản ánh trong các cuộc đối thoại của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Để gây áp lực lên Tehran, ông Donilon lưu ý: "Mỹ đã tham gia vào các nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi để thuyết phục các quốc gia tiêu thụ năng lượng chấm dứt hoặc làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ dầu của họ từ Iran. Sự gia tăng đáng kể trong sản xuất dầu tại Mỹ cũng như một số nơi khác có nghĩa là, các biện pháp trừng phạt quốc tế cùng những nỗ lực của Washington và đồng minh có thể loại bỏ sự phụ thuộc vào hơn 1 triệu thùng dầu thô từ Iran mỗi ngày, trong khi giảm thiểu gánh nặng cho phần còn lại của thế giới” và điều “hạnh phúc” này đã buộc Iran trở lại bàn đàm phán.

Nguồn: