Ai sẽ trở thành cổ đông chiến lược tại PV Oil?
08:13 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Năm, 2018

Bất chấp thông tin giá dầu tăng mạnh và kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm tích cực với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 215 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm 2018, giá cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vẫn giảm nhẹ xuống vùng 19.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá chào sàn UPCoM cũng như mức kỳ vọng của các công ty chứng khoán.

Đầu năm 2018, PV Oil đã tiến hành IPO thành công gần 207 triệu cổ phiếu, với mức giá trúng bình quân 20.196 đồng/cổ phiếu. Mức giá khởi điểm được xác định trong phiên chào sàn UPCoM của cổ phiếu OIL hồi đầu tháng 3 tương đương, là 20.200 đồng/cổ phiếu.

PV Oil là đơn vị nắm thị phần phân phối xăng dầu Việt Nam lớn thứ hai, với 22% thị phần, đứng sau Petrolimex (nắm khoảng 48% thị phần). 30% thị phần còn lại thuộc về các công ty Saigon Petrol, Mipec, Thanh Lễ…

Sản lượng phân phối xăng dầu của PV Oil đạt 3,2 triệu m3/năm, thông qua mạng lưới phân phối hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trải khắp 63 tỉnh, thành phố; trong đó, có 500 cửa hàng do PV Oil trực tiếp quản lý vận hành và 3.000 đại lý. Ngoài ra, PV Oil cũng đang nắm giữ 20% thị phần phân phối xăng dầu tại Lào.

PV Oil còn là đơn vị duy nhất thực hiện xuất nhập khẩu ủy thác sản phẩm dầu thô của PVN và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, PV Oil có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn so với đối thủ cùng ngành là Petrolimex. PV Oil vẫn còn dư địa mở rộng thị phần phân phối xăng dầu so với mức 22% hiện nay thông qua hoạt động M&A các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ, trong khi PLX thì không, bởi thị phần đã ở mức xấp xỉ 50% (và Luật Cạnh tranh cấm việc mua bán sáp nhập hai doanh nghiệp nếu thị phần sau sáp nhập trên 50%).

Theo kế hoạch, PV Oil phấn đấu đạt 1.550 cửa hàng xăng dầu đến năm 2020 với giá trị đầu tư ước tính gần 4.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn (tỷ lệ mua sở hữu công ty 65%).

Với tiềm lực tài chính khá vững chắc (vốn chủ sở hữu trên 10.700 tỷ đồng, tiền mặt và tương đương tiền lớn, ở mức 5.108 tỷ đồng vào cuối năm 2017), PV Oil đủ khả năng thực hiện các thương vụ M&A các công ty nhỏ nhằm gia tăng thị phần.

Tuy nhiên, vẫn có những e ngại của giới đầu tư về rủi ro hoạt động của PV Oil.

Trong thư mời cổ đông chiến lược, có một yêu cầu đáng chú ý là việc nhà đầu tư chiến lược phải đồng ý để PV Oil sau cổ phần hóa tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn trong ít nhất là 10 năm theo giá thị trường và sản lượng tối thiểu bằng thị phần của hai nhà máy lọc dầu này tại thị trường nội địa.

Hiện đầu vào của PV Oil có đến 70 - 75% là mua từ nhà máy lọc dầu trong nước và tự pha chế, chỉ nhập khẩu 25 - 30%, khác với Petrolimex nhập khẩu tới 70%. Các chuyên gia phân tích cho rằng, đây là một trong những rủi ro của PV Oil sau cổ phần hóa.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018. Cơ chế tài chính đối với Nghi Sơn chưa được quy định cụ thể, tuy nhiên, theo hợp đồng giữa PVN và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án này được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu và được cộng thêm vào giá bán thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu. PVN chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn và bù lỗ cho Nghi Sơn trong trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống thấp hơn mức ưu đãi.

Theo phân tích, nhiều khả năng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi 7%, 5% và 3% lần lượt đối với sản phẩm xăng, LPG và hóa dầu và chịu mức thu điều tiết là phần chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu và mức ưu đãi giống như Dung Quất trước đây. Trong trường hợp đó, giá bán của Nghi Sơn sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn và việc PVN có cam kết bao tiêu sản phẩm đối với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến PV Oil.

Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà đầu tư thận trọng trong việc tham gia cổ đông chiến lược của PV Oil. Theo phương án cổ phần hóa, PVN sẽ nắm giữ 35,1% vốn điều lệ tại PV Oil. Ngoài 20% bán đấu giá công khai thì 44,7% sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil với tỷ lệ sở hữu 49%. Mặc dù Nhà nước sẽ chỉ còn nắm 35,1% cổ phần, song đối tác chiến lược lại phải cam kết cho PV Oil bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn, tức phải làm thay việc của PVN.

Đến thời điểm này, ai sẽ trở thành cổ đông chiến lược của PV Oil vẫn là câu hỏi lớn của giới đầu tư. Đã có khá nhiều lời ngỏ ý trở thành nhà đầu tư chiến lược của PV Oil, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, Idemitsu, KPI, Puma (Thụy sĩ), SK (Hàn Quốc), PTT (Trung Đông) và 2 nhà đầu tư trong nước là Quỹ đầu tư Sacom và Công ty Sovico.

Theo thông tin mới nhất, chỉ có 4 nhà đầu tư gửi thư xác nhận tham gia đấu giá sau khi hoàn thành bước thẩm định, nhưng số lượng đăng ký mua vẫn gấp 2,86 lần lượng chào bán.

Tuy nhiên, theo cam kết bảo lãnh của chính phủ, chỉ có những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Nhà máy lọc dầu của Việt Nam mới được phép hoạt động phân phối. Như vậy, sẽ chỉ còn 2 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng nhất là Idemitsu và Kuwait Petroleum International (hiện đang là cổ đông của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn).

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV, nếu hai nhà đầu tư này tham gia vào PV Oil, chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh xăng dầu, bởi đây đều là các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa dầu.

Nguồn: