Bác bỏ công văn truy thu thuế xăng dầu
03:16 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Bảy, 2013

Ngày 16/7/2013, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Bộ Tư Pháp đã gửi thông báo cho Bộ Tài chính, đề nghị bác bỏ Công văn 17060/BTC-VP ngày 7/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn truy thu thuế đối với xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa.

Ảnh internet
Ảnh: Internet

Trước đó, ngày 7/12/2012, Bộ Tài chính đã có Công văn 17060/BTC-VP (gọi tắt là Công văn 17060) hướng dẫn Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển tiêu thụ nội địa.
Nếu theo Công văn 17060, một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt sẽ phải khai lại tờ khai hải quan và xác định lại thời điểm tính thuế nên bị truy thu một khoản thuế trên 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, vừa qua, Cục Kiểm tra VBQPPL đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế), Vụ Pháp luật dân sự kinh tế- Bộ Tư pháp, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có liên quan để xem xét tính pháp lý của Công văn 17060.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra và trao đổi, thảo luận, xem xét tính pháp lý của Công văn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản VBQPPL Lê Hồng Sơn đã đưa ra kết luận.
Theo ông Lê Hồng Sơn, trên cơ sở và để thực hiện quy định của Nghị định số 154/2005/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 154) quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và các luật có liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 194/2010/TT-BTC (viết tắt là Thông tư 194) hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, việc xuất nhập khẩu thực hiện nguyên tắc tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy định của Nghị định 154 và Thông tư số 194.
Tuy quy định của Nghị định 154 là “được thay tờ khai hải quan khác” trong trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng tại Thông tư 194 do Thực hiện chủ trương cải cách, đơn giản thủ tục hành chính nên Bộ Tài chính đã quy định: “Không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định” trong trường hợp hàng hóa tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa.
Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, Thông tư 194 có hiệu lực từ 20/1/2011. Từ đó đến nay cơ chế khai hải quan, tính thuế được cơ quan hải quan và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo quy định đã dẫn của Thông tư số 194.
Tuy nhiên, trong Công văn 17060 lại hướng dẫn “xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng chuyển mục đích tiêu thụ nội địa như sau: Yêu cầu Tổng cục Hải quan… phải thay thờ khai hải quan theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế nêu trên”.
Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, như vậy, Công văn 17060 đã đưa ra quy định mang tính quy phạm pháp luật yêu cầu Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan và doanh nghiệp phải thực hiện cơ chế “phải thay tờ khai hải quan”… Đặc biệt cần lưu ý, Công văn 17060 không tính đến và đã làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư 194, đồng thời, cơ chế này cũng đã dẫn đến việc thay đổi về thời điểm tính thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất không hết, chuyển tiêu thụ nội địa.
Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, căn cứ vào quy định Luật ban hành văn bản QPPL thì kể từ thời điểm ban hành và có hiệu lực thi hành cho đến nay, Thông tư 194 chưa được hủy bỏ, bãi bỏ, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung bởi một thông tư khác của Bộ Tài chính, cho nên nội dung Thông tư 194 vẫn là quy chuẩn bắt buộc đối với Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan và doanh nghiệp phải thực hiện khi làm thủ tục khai hải quan và xác định thời điểm tính thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đặc biệt là trong trường hợp tạm nhập không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa.
Từ những phân tích trên, Cục Kiểm tra VBQPPL kết luận: Công văn 17060 là văn bản hành chính cá biệt, có chứa quy phạm pháp luật, vi phạm quy định Luật ban hành văn bản QPPL cũng như quy định của Chính phủ tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Cục Kiểm tra cho rằng: Hơn nữa, không thể dùng công văn hành chính cá biệt là Công văn 17060 để “bẻ ghi”, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư 194. Trường hợp Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành Thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư 194.
Từ kết luận trện, Cục Kiểm tra VBQPPL yêu cầu Bộ Tài chính hủy bỏ Công văn 17060 vì những nội dung sai trái như đã nêu trên. Nếu thấy cần thiết, Bộ Tài chính có thể ban hành Thông tư thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư 194 để làm cơ sở pháp lý cho Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan và các DN xuất nhập khẩu thực hiện.

Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị, trong thời hạn 30 ngày theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính phải có kết quả tự kiểm tra, xử lý Công văn số 17060.

TheoBáo Công Thương