Bình Định chấm dứt thu hút dự án lọc hóa dầu Victory
02:35 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Bảy, 2016

Dù nhà đầu tư vẫn muốn tiếp tục theo đuổi dự án lọc hóa dầu có vốn dự kiến hàng tỉ đô la Mỹ ở Bình Định, nhưng chính quyền địa phương này vừa có quyết định chấm dứt việc thu hút đầu tư dự án này sau nhiều năm đặt kỳ vọng.

Chính quyền tỉnh Bỉnh Định chính thức công bố dừng thu hút đầu tư dự án lọc hóa dầu Victory ở Bình Định -Ảnh minh họa: TL

Nguồn tin riêng của TBKTSG Online cho biết vào ngày hôm nay, 24-7, lãnh đạo tỉnh vừa quyết định chấm dứt dự án lọc hóa dầu Victory có tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 22 tỉ đô la Mỹ tại Khu kinh tế Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí PTT (Thái Lan) và Tập đoàn Saudi Aramco (Ảrập) hợp tác đầu tư.

Nguồn tin này cũng cho hay, tại buổi bế mạc kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XII diễn ra ngày 22-7, lãnh đạo tỉnh cũng chính thức thông báo rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã họp và quyết định chấm dứt dự án Tổ hợp lọc hóa dầu này.

Lý do được đưa ra do dự án kéo dài quá lâu và phía Tập đoàn PTT đưa ra nhiều điều kiện mà Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Định không thể đáp ứng được. Và không biết bao giờ dự án mới thành hiện thực, trong khi tỉnh mất cơ hội thu hút dự án khác. Do đó tỉnh quyết định chấm dứt dự án để chờ nhà đầu tư cấp một đầu tư hạ tầng kinh tế, kêu gọi dự án khác.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Định còn lo ngại dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là thành phố Quy Nhơn. Với quyết định dừng đầu tư dự án này, theo nguồn tin trên, có khả năng tỉnh sẽ không thu hút đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu tại đây nữa.

Liên quan đến việc thu hút đầu tư nói chung của Bình Định sắp tới, theo lãnh đạo tỉnh, trong quá trình thu hút và phát triển, Bình Định sẽ thực hiện nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, không chạy theo tốc độ và không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Trước đó (vào cuối tháng 6), đúng thời hạn cho phép của lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc có tiếp tục đầu tư dự án hay không, phía Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã có câu trả lời là sẽ tiếp tục theo đuổi nhưng có khả năng quy mô của dự án sẽ giảm còn khoảng phân nửa. Và theo cam kết của nhà đầu tư, họ sẽ trình báo cáo khả thi dự án vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, giờ đây chính quyền tỉnh Bình Định đã có quyết định ngừng triển khai đầu tư dự án.

Như vậy sau khoảng 4 năm nghiên cứu đầu tư, dự án có tên gọi Victory dự kiến sẽ được thực hiện với diện tích khoảng 1.400 héc ta tại Khu kinh tế Nhơn Hội, do tập đoàn PTT đề xuất và sau đó có thêm sự tham gia của tập đoàn Saudi Aramco (Ảrập), được kỳ vọng đóng góp đáng kể cho kinh tế địa phương đã phải khép lại.

Thời điểm được công bố, không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi của dự án, trong đó không ít người hoài nghi về tiềm lực tài chính do số vốn công bố ban đầu lên đến 28 tỉ đô la Mỹ, cũng như lo ngại về sự “bội thực” của các dự án lọc dầu và các tác động lớn đến môi trường.

Đến nay nguồn tin trên cho rằng hai nhà đầu tư trên đều được đánh giá có tiềm lực về tài chính và việc chậm triển khai cũng như giảm quy mô dự án là do tình hình giá dầu thế giới liên tục lao dốc cũng như những thay đổi trong việc sử dụng nguồn năng lượng mới trên thế giới.

Lúc đề xuất đầu tư, dự án này cũng không nằm trong diện quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Năm 2014, Chính phủ có văn bản chấp thuận và cho phép triển khai các bước của dự án, đồng thời cũng chấp thuận đưa dự án vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của chủ đầu tư trước đó, dự án Victory Project sẽ đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa cho sản xuất hàng dệt may, bao bì, hóa chất, linh kiện ô tô, điện tử và phát triển của ngành công nghiệp thiết bị ngoại vi ở Việt Nam (tương tự kinh nghiệm của Thái Lan trong 20 năm qua). Chủ đầu tư tính toán, dự án này đi vào hoạt động sẽ đóng góp 4-5 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam mỗi năm.

Theo đề xuất ban đầu của nhà đầu tư, dự án Victory có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm); sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỉ đô la Mỹ. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỉ đô la Mỹ.

Nguồn: